Cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thủy sản trong giai đoạn mới (10-06-2021)

Sáng ngày 10/6/2021, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021”. Hội nghị tập trung bàn các giải pháp toàn diện để phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản trong giai đoạn mới.
Cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thủy sản trong giai đoạn mới

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, đại diện Lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản; Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad); Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep); Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam; Viện Nghiên cứu Hải sản; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố ven biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá của 28 tỉnh/thành phố ven biển cùng các doanh nghiệp, ngư dân tiêu biểu trong lĩnh vực thủy sản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến đã chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù trong năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng bởi các thời tiết cực đoan, bão, lũ xuất hiện liên tiếp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác thủy sản, tuy nhiên sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 vẫn đạt 3,85 triệu tấn tăng 2,06% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác của cả nước trong năm 2020 đạt 3,435 tỷ USD, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, tình hình thời tiết trên biển, giá nguyên liệu đầu vào tương đối ổn định tạo thuận lợi cho ngư dân hoạt động khai thác, bên cạnh đó giá các sản phẩm thủy sản xuất khẩu tăng nhẹ, thị trường xuất khẩu phục hồi đã thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản (bao gồm cả nuôi trồng và khai thác) đạt 3,27 tỷ USD, cụ thể tôm 1,337 tỷ USD, cá tra 623,7 triệu USD, cá ngừ 292,5 triệu USD, mực và bạch tuộc 212,4 triệu USD, nhuyễn thể hai mảnh vỏ 48,8 triệu USD, nhuyễn thể khác 5,2 triệu USD, cua ghẹ 54,3 triệu USD, cá biển khác 697,9 triệu USD...

Theo kế hoạch đặt ra trong năm 2021, tổng sản lượng thủy sản sẽ được phấn đấu đạt khoảng 8,5 triệu tấn, bằng 101,1% so với năm 2020 (trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,61 triệu tấn bằng 93,6% so với năm 2020). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với 2020, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 35-37%.

Định hướng đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn; Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỷ USD; Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước.

Mặc dù, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào tỷ trọng tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đưa ngành thủy sản trở thành trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển chung của ngành nông nghiệp trong giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã chỉ những tồn tại, hạn chế ngành thủy sản đang gặp phải và những bước cản trở của sự phát triển của ngành trong thời gian tới. Hiện quy mô sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu đội tàu, ngành nghề khai thác chưa hợp lý; đầu tư cho hạ tầng cho phát triển thủy sản chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; giá trị gia tăng thủy sản thấp, tổn thất sau thu hoạch còn lớn; Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn hạn chế; vốn đầu tư cho ngành còn khó khăn, chính sách phát triển thủy sản nhiều bất cập, việc quản lý đội tàu khai thác vẫn còn chưa bắt kịp với xu thế hội nhập, khai thác trái phép vẫn diễn ra…

Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu kế hoạch đặt ra các đại biểu đã tập trung bàn các giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực khai thác nói riêng để đưa nghề cá phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Tại Hội nghị các đại biểu tại các điểm cầu đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản cần tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá, ban hành hướng dẫn, khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề để giảm cường lực khai thác. Bên cạnh đó, cần tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản một cách đầy đủ chính xác để các địa phương có cơ sở cơ cấu lại ngành nghề và đội tàu khai thác. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới áp dụng công nghệ khai thác hải sản để giảm số lượng lao động trong nghề khai thác, nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tác động đến các đối tượng cá nhỏ, cá tạp…Ngoài ra, cần nghiên cứu xử lý tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình và tăng cường phối hợp xử lý tình trạng vi phạm trong khai thác thủy sản.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, cần phải phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến thủy sản. Để thực hiện việc này cần phải có quy hoạch đồng bộ tổng thể để phục vụ cho công tác chế biến và xuất khẩu. Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt để nhanh chóng đầu tư thành lập các cụm công nghiệp ưu tiên; các cơ sở chế biến thủy hải sản, đan xen tạo các khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến thủy sản.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, để phát triển ngành thủy sản một cách đồng bộ, bền vững cần bám sát các nội dung, mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản trên cơ sở góp ý và kiến nghị của các địa phương tổng hợp hoàn thiện các báo cáo gửi các địa phương để nắm bắt những định hướng giải pháp trong thời gian tới. Khẩn trương hoàn thiện sửa đổi các Văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung hoàn thiện các Đề án, Chương trình đã được phê duyệt trong Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tổng cục Thủy sản cùng với địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, tình hình an ninh trên biển để đưa ra chỉ đạo hướng dẫn kịp thời cho ngư dân tổ chức sản xuất trên biển an toàn, hiệu quả.

Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên tuyền về các Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản thi hành Luật Thủy sản 2017 và các định hướng phát triển trong giai đoạn mới.

Tiếp tục rà soát các chính sách phát triển cho ngành thủy sản. Tổ chức lại hoạt động sản xuất khai thác thủy sản trên biển, cơ cấu đội tàu, ngành nghề khai thác một cách hợp lý. Tổ chức rà soát đánh giá lại hiện trạng tổn thất sau thu hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm thủy sản khai thác.

Đặc biệt, hoàn thiện các quy định liên quan đến hệ thống giám sát, quản lý đội tàu khai thác. Trong đó, cần khẩn trương phối hợp chỉ đạo các địa phương hoàn thiện lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Tăng cường chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố ven biển quan tâm, tạo điều kiện để bố trí nguồn vốn đầu tư cùng với Trung ương để nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá, cảng cá, bến cá đáp ứng nhu cầu phát triển và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Các địa phương cần tổ chức quán triệt nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt hơn nữa, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản Chỉ đạo nghiên cứu thị trường, kết nối cung - cầu, điều tiết tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tổ chức diễn đàn doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm. Tăng cường công tác dự báo thị trường xuất khẩu một cách chủ động chính xác để tổ chức sản xuất, dự trữ và chế biến tránh những bị động từ thị trường.

Giao Viện Nghiên cứu hải sản nâng cao chất lượng dự báo ngư trường đáp ứng tính chính xác cao để ngư dân có cơ sở để khai thác hiệu quả. Tập trung công tác điều tra nguồn lợi thủy sản, đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ vào bảo quản chế biến sau thu hoạch.

Thứ trưởng giao Hiệp hội VASEP, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên kết chuỗi. Cập nhật nắm bắt những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến cơ chế chính sách, quy định để kịp thời kiến nghị tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Tăng cường cập nhật, dự báo tình hình xuất khẩu thủy sản của các thị trường để có những định hướng và khuyến cáo cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác