Ứng dụng đèn LED trên tàu cá của ngư dân mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt (14-05-2021)

Để nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như giảm chi phí chuyến biển khai thác thủy sản trên tàu cá của ngư dân, Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông đã hợp tác với các Viện, Trường như: Viện Hải dương học và Viện Nghiên cứu Hải sản, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Nha Trang tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu, cho ra sản phẩm đèn LED đánh cá chuyên dụng phù hợp với phương thức, tập quán cũng như khả năng ứng dụng trên tàu cá khai thác thủy sản của bà con ngư dân Việt Nam.
Ứng dụng đèn LED trên tàu cá của ngư dân mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt

Ánh sáng giữ một vai trò quan trọng trong đánh bắt cá biển và con người từ lâu đã biết ứng dụng ánh sáng trong việc dẫn dụ đàn cá. Ra đời từ những năm 60 của thế kỷ 20, sau nhiều thập niên cải tiến và phát triển, đèn LED đang trở thành công nghệ chiếu sáng ưu việt được ứng dụng rộng rãi trong xã hội từ hộ dân, công cộng, công nghiệp và nông nghiệp. Đặc biệt trong thời gian qua, việc ứng dụng đèn LED trong khai thác hải sản xa bờ vừa đưa lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường biển. Đây được coi là lựa chọn tối ưu cho ngư dân có chuyến đi biển năng suất, hiệu quả và tiết kiệm.

Theo nghiên cứu, tập tính của cá ảnh hưởng mạnh bởi ánh sáng. Sự nhận biết ánh sáng của mắt cá tương tự như người, dựa trên dải tần số ánh sáng và dải tần số ánh sáng mà cá có thể nhận biết có bước sóng từ 400 - 700 nm. Ánh sáng trong đời sống của cá có ý nghĩa như là tín hiệu thức ăn, tạo đàn và định hướng di chuyển. Với mỗi loài cá khác nhau sẽ có những đặc tính sinh học đến vùng chiếu sáng khác nhau: Có loại thích ánh sáng tầng mặt, có loại thích ánh sáng trong lòng nước. Mỗi loại cá phản ứng với màu sắc ánh sáng khác nhau, cường độ và thời gian chiếu sáng cũng như tốc độ di chuyển nguồn sáng khác nhau. Như vậy, nguồn ánh sáng chuyên dụng sẽ giúp cho thu hút được nhiều cá hơn, tăng hiệu quả khai thác.

Trong khai thác thủy sản, trước đây các tàu đánh cá thường sử dụng dòng đèn Metal Halide cho khả năng thu hút cá tương đối tốt. Tuy nhiên đèn có công suất cao, tiêu tốn nhiều nhiên liệu, đồng thời tỏa ra một lượng nhiệt lớn và chứa tia UV ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ thuyền viên như bỏng da, khô da, rụng tóc, thậm chí gây ung thư, trầm cảm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, công nghệ chiếu sáng truyền thống bằng các loại đèn cao áp dây tóc, halogen, đèn huỳnh quang, đèn Compact… thường tiêu thụ một lượng năng lượng lớn, khiến chi phí vận hành cho mỗi chuyến ra khơi của ngư dân tăng lên đáng kể. Theo đánh hiệu quả chi phí cho một chuyến khai thác hải sản, nhiên liệu dầu cung cấp cho chiếu sáng dẫn dụ cá chiếm tới hơn 50% tổng chi phí cho mỗi đợt ra khơi đánh bắt đối với một số nghề làm giảm hiệu quả khai thác của ngư dân.

Không những vậy, loại đèn sử dụng trong đánh cá truyền thống có hệ số phát nhiệt rất cao, dễ gây bỏng da, làm hại mắt và giảm tầm nhìn của ngư dân. Đó là chưa kể việc phát điện bằng máy phát công suất lớn làm ô nhiễm môi trường và là một trong những nguyên nhân tăng phát thải CO2, gây hiệu ứng nhà kính. Vậy nên, đã đến lúc phải thay đổi bằng một loại thiết bị chiếu sáng phù hợp hơn.

Ngày nay, việc sử dụng bóng đèn để chiếu sáng dùng trong việc sinh hoạt và lao động ngày càng phổ biến nên việc lựa chọn nguồn ánh sáng tốt và có hiệu quả lâu dài trở thành yêu cầu quan trọng. Các công nghệ trước đây để sản xuất bóng đèn dây tóc truyền thống thì chỉ một phần nhỏ năng lượng từ dòng điện được chuyển hóa thành quang năng, phần năng lượng còn lại được chuyển hóa thành nhiệt năng gây thất thoát lớn về năng lượng và góp phần làm giảm tuổi thọ của bóng đèn. Chính vì vậy việc ra đời bóng đèn LED đã khắc phục được những nhược điểm này.

Bóng đèn LED có tuổi thọ từ 25.000 - 50.000 giờ, tương đương 12 năm sử dụng nếu sử dụng chiếu sáng 12 giờ một ngày, tiết kiệm điện từ 50% đến 70% số kw/h điện hàng tháng. Do đó, môi trường sẽ được hưởng lợi từ việc giảm lượng khí CO2 thải ra cho mỗi Kwh năng lượng tiết kiệm. Mỗi MWh điện tiết kiệm được sẽ giảm lượng khí thải CO2 bằng một tấn. Việc tăng khí thải CO2 là một lý do quan trọng cho sự hủy diệt một phần tầng ozone của trái đất và nóng lên toàn cầu. Song song với đó, bóng đèn LED có tuổi thọ lâu dài với ánh sáng ổn định và không chứa chất độc hại như thủy ngân, chì, cadmium…Vật liệu làm đèn LED chủ yếu bằng nhựa có thể tái chế nên an toàn và có lợi cho môi trường.

Hơn nữa, khi sử dụng loại đèn đánh cá truyền thống, ngư dân phải đầu tư máy phát điện lên đến 100KVA và trong suốt quá trình sử dụng sẽ gây ra một số rủi ro hư hỏng tàu cá tại thời điểm khởi động và thời điểm tăng cường độ sáng đột ngột để thu hút luồng cá vì công suất tiêu thụ quá lớn dẫn đến quá tải. Trong khi đó, đèn LED sẽ khắc phục được hầu hết các rủi ro và an toàn trong qúa trình hoạt động. Để có cùng 1 lượng ánh sáng bao trùm mặt biển trong phạm vi đánh bắt, sử dụng công nghệ đèn LED chỉ tốn nhiên liệu bằng 1/3 so với các loại đèn truyền thống.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như giảm chi phí chuyến biển khai thác thủy sản trên tàu cá của ngư dân, Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông đã hợp tác với các Viện, Trường như: Viện Hải dương học và Viện Nghiên cứu Hải sản, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Nha Trang đã liên kết nghiên cứu chuyên sâu, cho ra sản phẩm đèn LED đánh cá chuyên dụng phù hợp với phương thức, tập quán cũng như khả năng ứng dụng trên tàu cá khai thác thủy sản của bà con ngư dân Việt Nam.

Thời gian qua, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng đã phối hợp với một số đơn vị như: Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu Hải sản, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản của một số địa phương hỗ trợ ngư dân lắp đặt hệ thống chiếu sáng LED cho tàu cá đánh bắt xa bờ tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Thanh Hóa…

Qua thực tế triển khai tại các tỉnh, theo đánh giá của ngư dân đã được hỗ trợ lắp đặt cho biết, sau thời gian đi biển, nhiều ngư dân đã thấy được lợi ích thiết thực của đèn LED trong việc giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe và môi trường. Hàng tháng, ngư dân tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ từ việc tiết kiệm nhiên liệu. Đèn LED lại có ánh sáng dịu, không bị chói và quá nóng, ánh sáng xuyên sâu, nhìn rõ lưới, cá, rất phù hợp cho nghề đi biển. Với một chiếc tàu đánh bắt bình thường, sau 1 năm sử dụng, đèn LED đã tiết kiệm được gần 100 triệu đồng (tiền dầu, chi phí vận hành,…) không kể lợi nhuận do tăng sản lượng đánh bắt. Còn đối với những tàu công suất lớn, việc tiết kiệm được khoản tiền đầu tư cho chi phí chạy máy phát điện và thay thế bóng hỏng còn lớn hơn rất nhiều lần.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông không ngừng ứng dụng khoa học công nghệ vào nghiên cứu, sản xuất để giảm chi phí của các sản phẩm cũng như giảm kinh phí lắp đặt hệ thống đèn LED, không ngừng cải tiến kiểu dáng đèn để phù hợp với từng loại hình, nghề khai thác cũng như tập quán khai thác của ngư dân theo ngư trường.

Có thể nói, việc triển khai thí điểm dự án thay thế hệ thống đèn đánh cá metal halide bằng hệ thống đèn LED sẽ tác động tích cực, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và các cấp chính quyền về các loại sản phẩm nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện. Từ đó, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ở góc độ kinh tế, đèn LED không chỉ giúp ngư dân nâng cao hiểu quả chuyến biển, phát triển bền vững cho nghề đánh bắt hải sản mà còn hạn chế những tác động xấu đến sức khỏe, giúp ngư dân yên tâm bám biển giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia.

Với những ưu điểm vượt trội và ứng dụng rộng rãi trong chiếu sáng của bóng đèn LED trong việc giảm điện năng tiêu thụ gián tiếp giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, nhà nước cần có các chương trình hỗ trợ giúp doanh nghiệp sản xuất giảm giá thành sản phẩm, qua đó hỗ trợ ngư dân ứng dụng đèn LED trong khai thác, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất cũng như bảo vệ môi trường biển.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác