Kế hoạch hành động Thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam (10-05-2021)

Ngày 06 tháng 5 năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Kế hoạch hành động Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Kế hoạch hành động Thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam
Ảnh minh họa

“Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 với 03 quan điểm: (1) Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả; (2) Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội. Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới; kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc; (3) Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đồng bộ; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; đổi mới thể chế và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tổ chức lại sản xuất.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược

Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Chiến lược Phát triển thủy sản, phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đồng thời quản lý toàn diện, đồng bộ các hoạt động của ngành theo chuỗi liên kết (từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm) tạo điều kiện để thủy sản Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Kế hoạch hành động Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với 03 mục tiêu chính: Một là, Triển khai nghiêm túc, có chất lượng nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp Chiến lược đề ra. Hai là, Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện đối với từng lĩnh vực trong ngành thủy sản đến năm 2025, kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó xây dựng các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược. Ba là, Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược đồng bộ, kịp thời và thống nhất giữa các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các Bộ, ngành trung ương và địa phương trên phạm vi cả nước. Để thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản, Kế hoạch hành động đã nêu rõ 04 nhiệm vụ chủ yếu như sau:

(1) Hoàn thiện tổ chức bộ máy, thể chế: Hoàn thiện tổ chức bộ máy; Kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống quản lý nhà nước về thủy sản; Hoàn thiện hệ thống tổ chức Kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản phù hợp với Luật Thủy sản (Nghị định về một số chính sách trong lĩnh vực thủy sản; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách về đất, đất có mặt nước, khu vực biển, tài chính, tín dụng và thương mại...); Phổ biến văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực thủy sản thông qua in ấn và gửi tài liệu; tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn cho đối tượng liên quan tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên phạm vi cả nước.

(2) Xây dựng chương trình quốc gia, đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược: Tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình quốc gia, đề án phát triển ngành Thủy sản, gồm 03 Chương trình quốc gia, 08 Đề án phát triển ngành Thủy sản như sau: Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững; Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản; Đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá; Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; Đề án phát triển chế biến và thương mại thủy sản; Đề án phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong ngành thủy sản; Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thủy sản; Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản; Đề án phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.

(3) Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ: Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về khoa học công nghệ để phục vụ phát triển thủy sản; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ đầu tư, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, quản lý chất lượng hàng hóa, vật tư chuyên ngành thủy sản.

(4) Tổ chức sản xuất thủy sản: Trong lĩnh vực Bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản: Tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống các loài thủy sản, nguồn lợi hải sản biển sâu làm cơ sở bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản theo hướng chuyển đổi số, làm cơ sở phục vụ công tác dự báo ngư trường, nguồn lợi; Đồng thời, thực hiện lưu giữ giống gốc, các nguồn gen; bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản; Thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản.

Trong lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản: Phát triển hệ thống sản xuất giống nuôi trồng thủy sản chất lượng cao gắn với các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế; Ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; Phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống/thức ăn, nuôi trồng, chế biến, thương mại thủy sản (đảm bảo thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu). Bên cạnh đó, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP); Xây dựng và triển khai kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi nuôi trồng thủy sản (đất, nước, trầm tích, chất lượng nước thải); Tổ chức điều tra, đánh giá việc bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; nguồn ô nhiễm, chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản; Triển khai phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Trong lĩnh vực Khai thác thủy sản: Tổ chức khai thác thủy sản theo mô hình tổ, đội, hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; Tổ chức khai thác thủy sản theo hình thức đồng quản lý kết hợp bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản; Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá.

Trong lĩnh vực Chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản: Đổi mới công nghệ, phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng cao có nguồn gốc từ nguyên liệu, phụ phẩm thủy sản phục vụ các ngành thực phẩm và phi thực phẩm; Đánh giá tác động của các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản trong giai đoạn trước; đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung cho giai đoạn 2021-2030; Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa.

Quyết định 1960/QĐ-BNN-TCTS có hiệu lực kể từ ngày 06/5/2021.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác