Việt Nam thúc đẩy phát triển Nông nghiệp hữu cơ (26-04-2021)

Ngày 26/4/2021, tại thành phố Cần Thơ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức “Hội thảo tập huấn Nâng cao nhận thức sản xuất và năng lực chứng nhận về Nông nghiệp hữu cơ”.
Việt Nam thúc đẩy phát triển Nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Cùng với Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia “TCVN 11041 – Nông nghiệp hữu cơ” thì “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030” đã xác định mục tiêu chính là: Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất Nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. 

Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041

Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia “TCVN 11041 – Nông nghiệp hữu cơ” gồm 03 phần sau: (1) TCVN 11041-1:2017 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ; (2) TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 2: Trồng trọt hữu cơ; (3) TCVN 11041-3:2017 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ. Theo đó, nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học. Nông nghiệp hữu cơ nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài cơ sở và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương.

Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ phải đáp ứng 07 mục tiêu sau: (1) Áp dụng sản xuất hữu cơ lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống; (2) Đảm bảo độ phì của đất lâu dài và dựa trên đặc tính sinh học của đất; (3) Giảm thiểu (và tránh dùng nếu có thể) vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất hữu cơ cũng như sự phơi nhiễm của con người và môi trường đối với các hóa chất bền hoặc có nguy cơ gây hại; (4) Giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất đến môi trường xung quanh; (5) Không sử dụng các công nghệ không có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ: các sản phẩm từ kỹ thuật biến đổi gen, công nghệ chiếu xạ...); (6) Tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh; (7) Duy trì tính chất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển.

Theo Bộ Tiêu chuẩn “TCVN 11041” thì Nông nghiệp hữu cơ (organic agriculture) là hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người, dựa vào các quá trình tự nhiên của hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và các chu trình thích hợp với điều kiện địa phương, giảm thiểu sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào có tác động bất lợi. Trong sản xuất hữu cơ có sự kết hợp canh tác truyền thống với các kỹ thuật ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ có lợi cho môi trường, thúc đẩy các mối quan hệ công bằng và tăng cường chất lượng cuộc sống của con người và các bên có liên quan. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (organic agriculture production) là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động gồm trồng trọt, thu hái tự nhiên, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sơ chế, chế biến, bao gói để tạo ra sản phẩm hữu cơ. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (products from organic agriculture) được sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói phù hợp với các tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ.

Có 04 nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ: (1)  Nguyên tắc sức khỏe: Nông nghiệp hữu cơ cần duy trì và nâng cao sức khỏe của đất, thực vật, động vật, con người và trái đất như một thực thể thống nhất, trọn vẹn và không tách rời. (2)  Nguyên tắc sinh thái: Nông nghiệp hữu cơ cần dựa trên các hệ sinh thái sống và các chu trình tự nhiên, vận hành phù hợp với chúng, tuân thủ các quy tắc của chúng và giúp bảo vệ tính toàn vẹn và hài hòa của chúng. (3)  Nguyên tắc công bằng: Nông nghiệp hữu cơ cần xây dựng trên các mối quan hệ đảm bảo tính công bằng đối với môi trường chung và đảm bảo cơ hội sống cho mọi sinh vật. (4)  Nguyên tắc cẩn trọng: Nông nghiệp hữu cơ cần được quản lý một cách thận trọng và có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của các thế hệ hiện tại, tương lai và của môi trường.

Đề án phát triển Nông nghiệp hữu cơ

“Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23 tháng 6 năm 2020 (Quyết định số 885/QĐ-TTg) nhằm phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng, thế mạnh về Nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương; Gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học; Triển khai cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng: Tăng cường áp dụng rộng rãi các biện pháp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, tăng dần tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được chứng nhận (theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới); Phát triển Nông nghiệp hữu cơ ở các quy mô, cấp độ từ hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhằm tạo ra thực phẩm hữu cơ, môi trường an toàn cho người nông dân và sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao; Huy động sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các thành phần kinh tế (đặc biệt là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình).

Để triển khai thực hiện tốt “Đề án phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020- 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện 07 nhóm nhiệm vụ cụ thể sau: (1) Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực; (2) Phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; (3) Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong Nông nghiệp hữu cơ; (4) Đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; (5) Phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật; (6) Tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ; (7) Phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển Nông nghiệp hữu cơ.

Trong đó, đối với nhiệm vụ “Đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực”, Đề án đã nêu rõ: Nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức các cấp làm công tác quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm hữu cơ cho các tổ chức chứng nhận; Đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ; Tăng cường giáo dục về Nông nghiệp hữu cơ cho học sinh phổ thông và sinh viên các trường dạy nghề, cao đẳng và trường đại học thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất hữu cơ, tăng cường công tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về Nông nghiệp hữu cơ (ở cả trung ương và địa phương); nâng cao chất lượng đào tạo, thành lập cơ sở đào tạo chuyên sâu về Nông nghiệp hữu cơ được cơ quan quản lý nhà nước chỉ định.

Đối với nhiệm vụ “Phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật”: Hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập và phát triển các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; Các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam phải thực hiện đúng và nghiêm túc việc quản lý giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp hữu cơ do đơn vị chứng nhận; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật phục vụ sản xuất và quản lý Nông nghiệp hữu cơ; Từng bước hình thành hệ thống tổ chức chứng nhận của Việt Nam được thừa nhận bởi các quốc gia nhập khẩu, tổ chức chứng nhận quốc tế.

Thúc đẩy phát triển Nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Nhằm trao đổi thông tin và thực trạng hoạt động chứng nhận sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam với các Tổ chức chứng nhận; tuyên truyền phổ biến rộng rãi Bộ Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam “TCVN 11041”; kết nối các chuyên gia trong và ngoài nước trong triển khai “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030”, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy quyền, đã tổ chức “Hội thảo tập huấn Nâng cao nhận thức sản xuất và năng lực chứng nhận về Nông nghiệp hữu cơ”.

Chủ trì hội thảo là lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Đồng chủ trì là lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Đến tham dự hội thảo có các cơ quan quản lý Nhà nước, các Viện, Trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/ thành phố; Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; các Hiệp hội ngành hàng nông nghiệp; các Tổ chức chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ; các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất; và đại diện các cơ quan Báo chí Trung ương và Địa phương.

Được sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị, tổ chức; đồng thời các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã tích cực trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan đến thực trạng hoạt động chứng nhận sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Nhờ đó, “Hội thảo tập huấn Nâng cao nhận thức sản xuất và năng lực chứng nhận về Nông nghiệp hữu cơ” ngày 26/4 tại thành phố Cần Thơ đã đạt được hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác