Tìm giải pháp phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tôm (15-04-2021)

Ngày 14/4, tại Thành phố Cần Thơ, Trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo “Đích đến bền vững”.  Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp đột phá để phát triển bền vững có hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với ngành nuôi tôm nước lợ Việt Nam.
Tìm giải pháp phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tôm

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các Viện nghiên cứu, trườngđại học, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và người nuôi tôm, cùng các phóng viên báo chí đến đưa tin về hội thảo.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đã chủ trì buổi Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Đình Luân cho biết, một trong những định hướng quan trọng trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030 là giảm dần sản lượng khai thác thủy sản, tăng sản lượng nuôi trồng trong đó, tôm được xem là đối tượng còn nhiều dư địa, tiềm năng để tiếp tục nâng cao năng suất, tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu. Chính vì vậy, ngành tôm được xem là trụ cốt chính, trụ cột chiến lược đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển ngành thủy sản trong giai đoạn tới.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển ngành tôm nước lợ. Thời gian qua, đã có sự quan tâm chỉ đạo cũng như hỗ trợ của các ngành, các cấp về mặt quản lý ngày càng chặt chẽ, tạo điều kiện tối đa cho người nuôi phát triển sản xuất. Các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành kịp thời; các quy hoạch, chương trình, đề án đã có những hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành tôm; kinh nghiệm nuôi của cơ sở sản xuất, trình độ chuyên môn kỹ thuật đã được nâng cao đáng kể. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của ngành thủy sản trong trục chiến lược của ngành kinh tế tại khu vực ĐBSCL, đưa đối tượng tôm trở thành đối tượng chủ lực trong phát triển của ngành thủy sản. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để thúc đẩy hơn nữa phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2010-2020, diện tích và sản lượng nuôi tôm có chuyển dịch rõ rệt. Vùng sản xuất tôm nước lợ tập trung hiện nay cũng tăng lên rất nhiều. Nhiều địa phương có vùng sản xuất tôm công nghệ cao. Nhiều địa phương quy hoạch từ 300ha-500ha để nuôi tôm công nghệ cao, đặc biệt như Bạc Liêu có khu công nghệ cao sản xuất tôm.

Mặc dù, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và đại dịch Covid-19, nhưng ngành tôm trong năm 2020 đã vượt qua những thách thức duy trì tốc độ tăng trưởng và về đích đầy ấn tượng. Năm 2020, tổng diện tích nuôi đạt 745.000 ha, sản lượng 930.000 tấn (trong đó tôm nuôi là 900.000 tấn), kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,78 tỉ USD.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức hạn chế trong phát triển tôm nước lợ của nước ta khi hạ tầng phục vụ nuôi trồng ngày càng xuống cấp, đầu tư chưa bắt kịp nhu cầu phát triển. Nguồn tôm bố mẹ vẫn còn phụ thuộc chủ yếu từ nước ngoài, chất lượng tôm giống thiếu ổn định. Giá nguyên liệu, vật tư đầu vào vẫn còn ở mức cao làm chi phí, giá thành sản xuất lớn làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm. Quản lý quy hoạch vẫn thiếu tính chặt chẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh. Các rào cản thương mại tiếp tục được các nước tạo ra, gây khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.

Để ngành tôm phát triển một cách bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh đạt được những mục tiêu đề ra, ông Luân đề nghị các đại biểu tập trung bàn các giải pháp mang tính đột phá như: xây dựng chính sách, giải pháp nghiên cứu phát triển nguồn tôm giống chất lượng cao, quản lý chặt vật tư đầu vào giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số vào sản xuất, xây dựng vùng nuôi công nghệ cao tập trung, đẩy mạnh liên kết chuỗi trong sản xuất.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết năm 2020, so với các nước đối thủ, Việt Nam có lợi thế do kiểm soát tốt hơn dịch Covid-19, các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU, Trung Quốc ưu tiên chọn mua tôm của Việt Nam. Trong khi các nước sản xuất tôm chính như Ấn Ðộ, Ê-cu-a-đo, Thái-lan…đều phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 như sản xuất, vận chuyển hàng hóa đình trệ, giá tôm giảm khiến hoạt động thả nuôi chậm, sản lượng tôm giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã tích cực, chủ động xoay chuyển thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch Covid-19 và tận dụng các cơ hội có được từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP,… các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đã đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp từng phân khúc khác nhau. Từ những ngày đầu năm 2021, với hơn 160 tấn tôm do Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã được xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam là EU, Mỹ và Nhật Bản, chuyến hàng này như tín hiệu dự báo tốt lành cho ngành tôm xuất khẩu trong năm 2021.

Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm tôm của Việt Nam vẫn đang đứng trước những thách thức từ trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Hiện trong nước giá thành sản xuất tôm nước lợ của Việt Nam vẫn đang cao so với các nước đối thủ cạnh tranh khác, chất lượng tôm giống chưa được kiểm soát chặt chẽ, môi trường dịch bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, tôm nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, các đối thủ cạnh tranh như Ấn Ðộ, Ê-cu-a-đo, Thái-lan đã tiệm cận trình độ về công nghệ nuôi của Việt Nam, giá thành sản xuất rẻ hơn. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý, các doanh nghiệp, người nuôi cần phải có giải pháp đột phá, quyết liệt để nâng cao khả năng cạnh tranh của con tôm của Việt Nam trong thời gian ngắn nhất, ông Quang nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận tìm ra những giải pháp phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tôm như: Quản lý dịch bệnh từ con giống;  Kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm bố mẹ và con giống bố mẹ, kiểm soát việc nhập khẩu tôm bố mẹ; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào trong sản xuất, giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành sản xuất; Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ các rào cản thương mại để mở rộng thị trường; Tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn địa phương và người nuôi tôm nước lợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh hiệu quả, thông tin kịp thời với cơ quan chức năng khi phát hiện bệnh để có biện pháp kịp thời, hạn chế lây lan.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác