Tổng sản lượng thủy sản tháng 03/2021 ước đạt 656,3 ngàn tấn (14-04-2021)

Ngày 14/4/2021, tại Tổng cục Thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã dự và chỉ đạo cuộc họp giao ban khối Thủy sản.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 03/2021 ước đạt 656,3 ngàn tấn

Tham dự buổi giao ban này, ngoài 11 đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, còn có các đơn vị/ tổ chức như: Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Thú y, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam…

Một số chỉ tiêu kế hoạch đã đạt được trong Quý I năm 2021

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản tháng 03/2021 ước đạt 656,3 ngàn tấn (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020); trong đó: sản lượng khai thác 316,5 ngàn tấn (tăng 2,1%), sản lượng nuôi trồng thủy sản 339,8 ngàn tấn (tăng 4,2%). Lũy kế đến hết Quý 1/2021, tổng sản lượng ước đạt 1.797,7 ngàn tấn (tăng 2,1% so với cùng kỳ 2020; bằng 20,9% kế hoạch 2021); trong đó: sản lượng khai thác 857,4 ngàn tấn (tăng 1,1%), sản lượng nuôi trồng thủy sản 940,3 ngàn tấn (tăng 3,1%). So sánh với mục tiêu tăng trưởng đã phê duyệt tại Quyết định số 41/QĐ-TCTS-KHTC ngày 01/02/2021, tổng sản lượng thủy sản vượt 18,3% so với kế hoạch quý I/2021 (1,5 triệu tấn); trong đó: sản lượng khai thác vượt 3,2% (kế hoạch 830 ngàn tấn); sản lượng nuôi trồng thủy sản vượt 36% (kế hoạch 688 ngàn tấn).

Về nuôi tôm nước lợ: Tính đến ngày 18/3/2021, ước diện tích thả nuôi tôm lũy kế 508 nghìn ha, (đạt 68% so với kế hoạch năm 2021); trong đó: tôm sú 487 nghìn ha, thẻ chân trắng 21 nghìn ha. Ước sản lượng tôm nước lợ 3 tháng đầu năm 2021 đạt 124,8 nghìn tấn (đạt 13,8% so với kế hoạch năm 2021); trong đó: sản lượng tôm sú đạt 47,1 nghìn tấn (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2020); tôm thẻ chân trắng đạt 77,7 nghìn tấn (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020). Đối với cá tra, diện tích thả nuôi mới là 825 ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thu hoạch đạt 321,8 ngàn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Kế hoạch tháng 4

Ngành Thủy sản đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Làm việc trực tuyến với đoàn thanh tra FSIS của Hoa Kỳ; Tham mưu Bộ tổ chức các hội nghị phát triển ngành hàng Tôm, phát triển ngành hàng cá Tra. Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản: Theo dõi, nắm bắt chặt chẽ diễn biến thời tiết, dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả. Kiểm tra việc thực hiện các quy định, chính sách tại địa phương; tổ chức các lớp tập huấn; tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến tiêu thụ hải sản năm 2021.

Đối với các tiểu dự án điều tra thuộc Đề án 47: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng báo cáo tự đánh giá và hoàn thiện hồ sơ phục vụ Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ. Xây dựng báo cáo tổng kết và báo cáo hành chính của nhiệm vụ số 8 đề án 47 để phục vụ công tác nghiệm thu cấp Nhà nước. Đặc biệt, xây dựng đề cương nhiệm vụ “Lập dự án điều tra đa dạng sinh học và nguồn lợi biển sâu Việt Nam”. Bên cạnh đó, chỉ đạo các Chi cục Kiểm ngư địa phương xây dựng phương án phòng chống thiên tai chuyên ngành Thủy sản năm 2021. Chuẩn bị phương án phòng chống thiên tai khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển; tổ chức trực ban nghiêm túc khi có bão, áp thấp nhiệt đới; tiếp nhận và xử lý thông tin thông qua đường dây nóng.

Toàn ngành tích cực triển khai khắc phục “thẻ vàng”; Tổ chức Đoàn công tác làm việc với các tỉnh để xảy ra tàu cá vi phạm để kiểm tra và có biện pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; Tổ chức tuyên truyền, tập huấn các nội dung về chống đánh bắt IUU; Tổ chức buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về bàn giải pháp ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu: Một là, đối với nuôi biển, cần xác định các khu vực bố trí kho bãi, tạo điều kiện thuận lợi khi tiến hành thu hoạch sản phẩm, tránh việc chắp vá sau này. Hai là, xây dựng tiêu chí cho các khu neo đậu tránh trú bão. Ba là, vấn đề thất thoát sau thu hoạch đang ở mức cao trong khi điều kiện bảo quản sản phẩm còn hạn chế, tàu thô sơ lại hoạt động trên biển dài ngày. Theo ông, tất cả những điều này phải khiến những nhà lãnh đạo trăn trở, suy nghĩ. Để ngành Thủy sản phát triển, nhất định phải có “cái cơ bản, bao trùm, rường cột, chân đế”. Cụ thể là, triển khai thực hiện nhiệm vụ dựa trên những chỉ đạo đã được nêu trong các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, cũng như nội dung trong các Đề án/ Dự án đã được phê duyệt…

Ngoài ra, Thứ trưởng còn khẳng định: Đầu tư là vấn đề rất quan trọng, từ đó mới có nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Theo Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị cần phải tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu, đề xuất giải pháp để thực hiện việc nào tốt việc đó, không lo sửa chữa về sau. Trong “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có 11 chương trình/ đề án ưu tiên, đều là những vấn đề rất quan trọng. Trước tiên, cần có những động thái cụ thể trong công tác tổ chức triển khai. Bắt đầu bằng việc tổ chức các hội nghị/ hội thảo làm rõ nội dung của từng chuyên đề; Nhắm vào những giải pháp mang tính then chốt; Như vậy mới thấy được vai trò của các nhà quản lý nhà nước. Hội nghị/ hội thảo phải thổi luồng sinh khí mới, làm bùng lên khát vọng chiến thắng.

Đối với chỉ tiêu tăng trưởng, cần xác định rõ lý do để đặt ra các mức tăng trưởng cụ thể; Theo đó, cái nào đã tốt thì tiếp tục phát huy, cái nào chưa khai thác hết tiềm năng thì phải khắc phục. Việc giảm sản lượng khai thác thủy sản cũng cần có lộ trình cụ thể. Những hoạt động liên quan đến các doanh nghiệp thủy sản, cần tổ chức vận động doanh nghiệp tham gia. Theo Thứ trưởng, các đơn vị nên phối hợp tổ chức diễn đàn để các nhà khoa học và doanh nghiệp gặp nhau, đây có thể coi là một giải pháp khả thi.

Để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với Tổng cục Thủy sản xem xét tổ chức một cuộc hội thảo nhằm nghiên cứu giải pháp tháo gỡ, không để các rào cản trở nên quá nặng nề. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi tôm đã tới hạn, vì vậy, cần tìm các giải pháp tăng năng suất; Đồng thời, phân định rõ bao nhiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản phục vụ chế biến – xuất khẩu, bao nhiêu sản lượng phục vụ cho tiêu thụ nội địa.

Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, trong thời gian tới, khi triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, theo đó, giảm cường lực khai thác, giảm đội tàu, nhưng vẫn phải đảm bảo việc tăng trưởng tốt. Đối với lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, công tác bảo tồn nguồn lợi ở lòng hồ Sông Đà phải thực hiện thật hiệu quả. Riêng lĩnh vực bảo tồn biển, phải gắn định hướng chiến lược “bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” với định hướng chiến lược “phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững”.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác