Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tiếp và làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (07-04-2021)

Chiều ngày 06/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Hai bên đã trao đổi về những định hướng và phối hợp trong hoạt động chỉ đạo điều hành cũng như hoạt động giám sát đối với lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tiếp và làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo, các đơn vị trực thuộc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, Cục Thú Y.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và ông Phùng Đức Tiến Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu tại cuộc họp, Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã báo cáo tình hình chỉ đạo điều hành, kết quả đã đạt được của ngành Thủy sản trong giai đoạn vừa qua. Trong những năm qua, đặc biệt giai đoạn 2016-2020 ngành nông nghiệp nói chung và ngành Thủy sản nói riêng đã trải qua một giai đoạn gặp rất nhiều những thách thức. Đối với ngành Thủy sản giai đoạn 2016-2020 đã chứng kiến chuỗi thách thức từ Biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường, thị trường tiêu thụ sản phẩm….Năm 2016, chứng kiến hạn mặt kỷ lục nhất trong lịch sử xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long và cũng năm lần đầu tiên chứng kiến tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm và đây cũng là năm gặp sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành Thủy sản. Năm 2017, việc Liên minh Châu Âu rút cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam đã ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu. Bước sang năm 2020, chứng kiến hạn hán xâm nhập mặn từ đầu năm và thời tiết cực đoan bão, lũ xảy ra liên tục.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc rất quyết liệt của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT, đặc biệt, nhận được sự quan tâm rất lớn của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ngành Thủy sản đã vượt qua những khó khăn thách thức. Đưa ngành Thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và trở thành một trong những trụ cột quan trọng đối với ngành nông nghiệp, tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành thủy sản giai đoạn (2016-2020) đạt 41 tỷ USD tăng 24,24% so với 33 tỷ USD (giai đoạn 2010-2015).

Để đạt được những kết quả trên là có sự đóng góp rất lớn của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Đặc biệt, sự chỉ đạo giám sát của Ủy ban đối với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, đã hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật quan trọng đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành Thủy sản nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua, cụ thể là: Luật Thủy sản 2017 được ban hành đúng thời điểm, đã giúp ngành thủy sản có công cụ pháp lý quan trọng quản lý hiệu quả đồng bộ và đưa ngành Thủy sản bước sang một giai đoạn mới, đưa ngành thủy sản chuyển mình phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Đánh giá giai đoạn 5 năm qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, trong vòng 5 năm đã hoàn thiện toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật bao trùm toàn bộ các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, cụ thể 6 luật gồm: Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật đê điều; Luật Thủy lợi; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để ngành nông nghiệp có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Có thể nói, có được khung pháp lý hoàn thiện, đồng bộ và quan trọng này là sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các đơn vị trực thuộc.

Bên cạnh đó, chúng ta nhận định tình hình rất chính xác nên đưa ra giải pháp mục tiêu rất đúng và trúng, ngay lập tức phát huy hiệu quả, đơn cử như Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu . Bên cạnh đó, năng lực phản ứng và tổ chức thực hiện có sự đồng thuận rất cao trong các đơn vị của Bộ và xuống tới các địa phương.

Hiện mọi lĩnh vực của ngành nông nghiệp đã có chiến lược, có luật, có đề án, có kế hoạch chi tiết. Đây là điều kiện để hình thành một nền nông nghiệp văn minh, hiện đại, hướng tới trở thành nền kinh tế nông nghiệp hiện đại trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Qua đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ sự tri ân, cảm ơn tới các lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo, các đơn vị trực thuộc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có những đóng góp, tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các đơn vị trực thuộc đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong nhiệm kỳ vừa qua.

Phát biểu tại buổi làm việc Ông Phan Xuân Dũng cho biết, chưa bao giờ cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp vừa qua. Đây cũng là nhiệm kỳ ngành nông nghiệp đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra, để lại nhiều thành tựu quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho tương lai. Trong 5 năm qua, nông nghiệp thực sự phát triển, nông thôn thực sự đổi thay, vị thế ngành được nâng lên rõ rệt. Đi đến bất cứ nơi nào chúng ta cũng đều bắt gặp những câu chuyện nói tới sự thành công của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ý nghĩa to lớn mang lại cho người nông dân từ chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Cũng trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã được giao hoạt động thẩm tra các dự án luật, giám sát quá trình sửa đổi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong đó đặc biệt là các Luật liên quan đến ngành nông nghiệp. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện, sửa đổi những nội dung quan trọng trong các luật theo đúng tiến độ mà Quốc hội đã giao như: Luật Thủy sản; Luật Lâm nghiệp;  Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật đê điều; Luật Thủy lợi; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi. Các nội dung trong Luật đã được tích hợp để phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng như cầu phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông lâm sản, thủy sản sang các thị trường trên thế giới.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác