Vai trò và trách nhiệm của các Bộ trong công tác bảo đảm an ninh lương thực quốc gia (06-04-2021)

Để tổ chức thực hiện Nghị quyết 34/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25 tháng 3 năm 2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, các Bộ, ban, ngành đã được chỉ định rõ các nhiệm vụ cụ thể như sau:
Vai trò và trách nhiệm của các Bộ trong công tác bảo đảm an ninh lương thực quốc gia
Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì theo dõi, đôn đốc, giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết và định kỳ tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Triển khai kế hoạch đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai hiện đại, đồng bộ đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm. Tổ chức thực hiện hiệu quả các Luật: Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản; các Chiến lược phát triển: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản và các Quy hoạch ngành cấp quốc gia lĩnh vực nông nghiệp, làm cơ sở định hướng và phân bổ hợp lý, hiệu quả yếu tố đầu vào (đất đai, tài nguyên, vốn, nhân lực, khoa học…) phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế. Đặc biệt, nghiên cứu bổ sung, ban hành các chế tài đủ sức răn đe để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm và an ninh lương thực quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ: Xây dựng “Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030”; triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình: sản phẩm quốc gia; phát triển công nghệ cao, đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình khoa học công nghệ khác cho lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập kế hoạch, xác định nhu cầu và nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ, tổ chức hoạt động giáo dục môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai có hiệu quả “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030”, bảo đảm cứu trợ kịp thời người dân bị thiếu đói do thiên tai và các trường hợp bất khả kháng.

Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Dân tộc: Lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm để giảm nghèo trong các Chương trình mục tiêu quốc gia do bộ, ngành mình được giao là chủ chương trình.

Bộ Y tế: Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030”/ “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2030”. Triển khai hiệu quả “Chương trình sữa học đường, nâng cao tầm vóc người Việt” (nhất là tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó định hướng phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa, phát huy lợi thế địa phương; tổ chức cung ứng lương thực, thực phẩm cho nhân dân đảm bảo trong mọi tình huống; quản lý chặt chẽ quỹ đất sản xuất nông nghiệp, nhất là đất lúa hai vụ cần bảo vệ nghiêm ngặt; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm. Ban hành cơ chế, chính sách của địa phương khuyến khích phát triển sản xuất góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong phạm vi cả nước và của địa phương trong mọi tình huống.

Ngoài ra, Nghị quyết 34/NQ-CP cũng đã đề cập vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... trong các nhiệm vụ quan trọng như: Bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất - nước; Chấm dứt tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiện nghi, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải của đất nước, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận lương thực, thực phẩm; Hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp - nông thôn từ trung ương tới cơ sở, đảm bảo thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; Triển khai hiệu quả Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro, phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững; Cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn (đặc biệt là các chương trình, dự án liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao).

Các bộ, ngành (theo chức năng, nhiệm vụ) triển khai các nhiệm vụ liên quan đến bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan/ tổ chức/ cá nhân. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết (phù hợp với từng vùng, miền và từng nhóm đối tượng). Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hợp tác quốc tế, chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao, tham tán thương mại (nhất là tại các địa bàn trọng điểm) để phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu lương thực, thực phẩm; phát huy và tranh thủ lợi thế ngành hàng lúa gạo và các mặt hàng nông sản có thế mạnh Việt Nam.

Thông tin chi tiết: Xem tại Trang tin điện tử Tổng cục Thủy sản https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác