Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chúc mừng Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên trụ sở Tổng cục Thủy sản (29-03-2021)

Ngày 27/3/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản tổ chức buổi Lễ gặp mặt kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959 – 01/4/2021), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Xuân Cường đã đến chúc mừng và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên trụ sở Tổng cục Thủy sản số 10, Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chúc mừng Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên trụ sở Tổng cục Thủy sản

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Thủy sản, Tổng cục Thủy sản qua các thời kỳ, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các Viện trường nghiên cứu trong lĩnh vực thủy sản cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Thủy sản.

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã báo cáo khái quát tình hình phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2015-2020, theo đó, ngành Thủy sản đã trải qua một giai đoạn gặp rất nhiều những thách thức trong giai đoạn 2015-2020, giai đoạn này ngành Thủy sản đã đối mặt với chuỗi thách thức từ Biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường, thị trường tiêu thụ sản phẩm…Đặc biệt, năm 2016, chứng kiến hạn mặt kỷ lục nhất trong lịch sử xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long và cũng năm lần đầu tiên ngành nông nghiệp chứng kiến tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm và đây cũng là năm gặp sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành Thủy sản. Năm 2017, việc Liên minh Châu Âu rút cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam đã ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu. Bước sang năm 2020, chứng kiến hạn hán xâm nhập mặn từ đầu năm và thời tiết cực đoan bão, lũ xảy ra liên tục và đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn không những đến kinh tế mà còn tác động đến mọi mặt đời sống.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc rất quyết liệt của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng với lãnh đạo Bộ, ngành Thủy sản đã vượt qua những khó khăn thách thức. Đưa ngành Thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và trở thành một trong những trụ cột quan trọng đối với ngành nông nghiệp trong giai đoạn (2016-2020), tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành thủy sản giai đoạn (2016-2020) đạt 41 tỷ USD tăng 24,24% so với 33 tỷ USD (giai đoạn 2010-2015).

Khái quát tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, ông Luân cho biết, năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và tập thể lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp, người dân trong ngành thủy sản từ Trung ương đến địa phương đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

Bước sang năm 2021 là năm đầu tiên cho giai đoạn mới, ngành Thủy sản đã đặt ra nhiều định hướng, mục tiêu phát triển mới. Trong đó, Chiến lược Phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được phê duyệt đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện trên từng lĩnh vực như: Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; Chế biến và thương mại thủy sản. Cụ thể, mục tiêu đến 2025, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11,5 tỷ USD và đến năm 2030, phát triển ngành Thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và đến năm 2045 đưa ngành thủy sản trở thành nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Sau khi nghe các nội dung báo cáo tại buổi gặp mặt, các đồng chí cán bộ lão thành, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Thủy sản, Tổng cục Thủy sản qua các thời kỳ bày tỏ vui mừng, phấn khởi với những kết quả mà ngành Thủy sản đã đạt được trong năm 2020 và trong giai đoạn vừa qua.

Các đồng chí mong muốn thời gian tới tiếp tục có những bước đi, giải pháp đột phá tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, phấn đấu đưa ngành Thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, uy tín thương hiệu của các sản phẩm thủy sản, nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Tạ Quang Ngọc nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản cho biết, ngành Thủy sản đã vượt qua một giai đoạn hết sức khó khăn, thách thức để đạt được nhiều mục tiêu đề ra, duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trở thành trụ cột chính, quan trọng đóng góp tỷ trọng lớn cho cả ngành nông nghiệp. Để đạt được những thành tựu trên, đồng chí Tạ Quang Ngọc ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo của tập thể lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cá nhân đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, dành nhiều tâm huyết và thời gian cho ngành Thủy sản.

Trong thời gian tới, ông Tạ Quang Ngọc hy vọng ngành Thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn hơn nữa của cả hệ thống chính trị, các đồng chí lãnh đạo Bộ, Tổng cục Thủy sản, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp cùng toàn thể người dân ra sức phấn đấu, cố gắng để đưa ngành phát triển bền vững và có hiệu quả.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã ôn lại những truyền thống của ngành Thủy sản trong lịch sử hình thành và phát triển, Bộ trưởng nhấn mạnh, với truyền thống lâu đời và bằng sự bền bỉ phấn đấu không ngừng, toàn thể cán bộ, ngư dân, lao động trong ngành Thủy sản đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển ngành Thủy sản từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, ngư nghiệp và đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, cải thiện rõ rệt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con ngư dân, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới, ngành Thủy sản cần triển khai đồng bộ giải pháp, định hướng chiến lược, thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành, cơ cấu lại đội tàu khai thác theo hướng giảm tàu khai thác gần bờ, tăng đội tàu khai thác xa bờ; Giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, tăng sản lượng nuôi trồng; Tăng cường công tác bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; Tăng cường phát triển diện tích nuôi biển; Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Tập trung nguồn lực đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thủy sản.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã trồng cây lưu niệm tại khuôn viên của Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT số 10, Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác