Hội nghị Tổng kết Thực hiện Kế hoạch phát triển ngành và Cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 (19-03-2021)

Ngày 18/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Tổng kết Thực hiện Kế hoạch phát triển ngành và Cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020.
Hội nghị Tổng kết Thực hiện Kế hoạch phát triển ngành và Cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020

Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết: 5 năm 2016-2020, bên cạnh các thời cơ, thuận lợi cho phát triển nhanh, bền vững, nông nghiệp nông thôn Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Trước tình hình như vậy, Bộ NN&PTNT tập trung vào tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành. Nhờ vậy, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đạt nhiều thành tựu, kết quả quan trọng. Đến hết năm 2020 và cả 5 năm 2016 – 2020, 15/15 chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, nổi bật là 5 chỉ tiêu: (1), Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 5 năm ước đạt 2,62%/năm, vượt mục tiêu; (2), Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 năm trên 190 tỷ USD, năm 2020 đạt 41,36 tỷ USD, vượt mục tiêu (39-40 tỷ USD); (3) Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; (4) Hết năm 2020 ước có trên 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới; (5) Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người.

Đối với ngành thủy sản, ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 339/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là cơ sở quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục tạo nên bước đột phá theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, khẳng định vị thế mới trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó, ngành thủy sản cần được xây dựng thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả. 

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.

Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đồng bộ…

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, mặc dù có nhiều khó khăn về thời tiết, hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài ở Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, cùng sự cố về môi trường biển đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản, nhưng ngành thủy sản đã đạt được những kết quả khả quan. Sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 8,42 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản duy trì mức tăng trưởng trên 9%/năm; năm 2020 đạt khoảng 8,38 tỷ USD. Về khai thác thủy sản, nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đội tàu cá được cơ cấu lại và hiện đại hóa, hình thành các đội tàu đánh bắt xa bờ lớn, hiện đại. Năm 2020, tổng số tàu cá đạt 94.520 chiếc. Trong giai đoạn 2016-2020, số vụ tai nạn trên biển đã giảm 60% so với giai đoạn 2011 – 2015.   

Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu đến năm 2025 là phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5 – 3,0 %/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 48 – 50 tỷ USD, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%, có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 15 tỉnh thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác