Ngành Nông nghiệp: Hai tháng đầu năm, sản xuất và xuất khẩu đạt khá (05-03-2021)

Lũy kế 2 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 11 tỷ USD; Trong đó, xuất khẩu ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020; Xuất siêu khoảng 1,37 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1,14 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Ngành Nông nghiệp: Hai tháng đầu năm, sản xuất và xuất khẩu đạt khá

Tháng 02, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 573,8 nghìn tấn, tăng 0,5% so cùng kỳ; trong đó, nuôi trồng ước đạt 296,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; khai thác ước đạt 277,4 nghìn tấn, giảm 1,4%. Lũy kế 2 tháng, tổng sản lượng ước đạt 1.141,4 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ; sản lượng cá các loại ước đạt 874,2 nghìn tấn, tăng 1,0%; sản lượng tôm các loại đạt 101 nghìn tấn, tăng 4,3% và thủy sản khác đạt 166,2 nghìn tấn, tăng 2,8%.

Sản lượng khai thác thủy sản 02 tháng đầu năm ước đạt 540,9 nghìn tấn, tăng 0,5%; trong đó, khai thác biển đạt 512,7 nghìn tấn, tăng 0,5%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 600,5 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng cá các loại ước đạt trên 446,5 nghìn tấn, tăng 1,7% (cá tra đạt khoảng 107,3 nghìn tấn, tăng 1,2%); sản lượng tôm các loại đạt 80,4 nghìn tấn, tăng 5,0% (tôm thẻ chân trắng đạt trên 48 nghìn tấn, tăng 5,8%).

Xuất, nhập khẩu

02 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 11 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu ước khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 13,6%; xuất siêu khoảng 1,37 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 02, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,78 tỷ USD (trong đó: giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản thô và sơ chế đạt khoảng 1,97 tỷ USD, chiếm 70,86% tổng giá trị xuất khẩu). Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,3% so với tháng 01/2021 (cụ thể: nhóm nông sản giảm 25,1%; lâm sản chính giảm 18,0%; thủy sản giảm 34,6%; chăn nuôi tăng 1,6%) nhưng lại tăng 3,0% so với tháng 02/2020: nhóm nông sản chính ước đạt gần 1,35 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2020; chăn nuôi ước đạt 26 triệu USD, tăng 26,9%; thủy sản ước đạt khoảng 400 triệu USD, giảm 21,4%; lâm sản chính đạt trên 1,17 triệu USD, tăng 40,7%.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6,17 tỷ USD (trong đó: giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản thô và sơ chế đạt khoảng 4,62 tỷ USD, chiếm 74,88% tổng giá trị xuất khẩu), tăng 16,6% so với tháng 02/2020; Trong đó, nhóm nông sản chính đạt khoảng 3,14 tỷ USD, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm 2020; chăn nuôi đạt 52 triệu USD, tăng 13,8%; thủy sản đạt trên 1,0 tỷ USD, tăng 0,7%; lâm sản chính đạt trên 2,6 tỷ USD, tăng 50,1%. Đặc biệt, trong số các mặt hàng giảm có mặt hàng tôm giảm 5,7% (đạt 443 triệu USD), cá tra giảm 14,9% (đạt 221 triệu USD).

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản 02 tháng đầu năm ước khoảng 4,81 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 4,37 tỷ USD, tăng 29,6%. Hầu hết các sản phẩm đều có giá trị nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái, như: nông sản chính tăng 63,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 34,8%; thủy sản tăng 10,6%; chăn nuôi tăng 1,4%.

Công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai

Trong tháng 02, cả nước đã xảy ra 02 trận động đất nhẹ; 02 trận mưa đá, dông lốc, 01 đợt không khí lạnh. Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm rét hại và gió mạnh trên biển, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông lâm thủy sản. Lũy kế 2 tháng đầu năm, thiên tai đã làm thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng.

Nhìn chung, đối với tình hình xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL, Bộ luôn theo dõi sát để hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai các biện pháp trữ nước, bảo đảm bảo đủ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Chủ trì, phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết bổ sung nguồn nước từ các hồ chứa thuỷ điện cho hạ du (3 đợt).  

Công tác khác

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017-2019, xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2021-2025.

Đối với 04 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 (lâm nghiệp; bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; phòng, chống thiên tai và thủy lợi), đang triển khai theo đúng kế hoạch tiến độ được phê duyệt.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Bộ giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm đối với sản phẩm thực phẩm của Ngành nông nghiệp, đặc biệt trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tháng 3

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo đó, sang tháng 3 (tháng cuối của Quý I), sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh để đạt được một số chỉ tiêu của Quý I như sau: Tăng trưởng GDP ước đạt 102,82%; Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 9,5 tỷ USD; Tổng sản lượng thủy sản đạt 1,54 triệu tấn; trong đó: sản lượng nuôi trồng đạt 685 nghìn tấn, sản lượng khai thác đạt 850 nghìn tấn… Để đạt được những mục tiêu trên, một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực sẽ được toàn ngành tích cực thực hiện.

Đối với lĩnh vực Thủy sản: Tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Chỉ đạo các địa phương quản lý môi trường các vùng nuôi ngao, tôm hùm, các đối tượng chủ lực khác. Tổ chức 02 Hội nghị phát triển ngành hàng cá tra và tôm năm 2021.

Theo dõi, nắm bắt chặt chẽ diễn biến thời tiết, dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, xử lý vướng mắc về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý tàu cá tại cảng theo Thông tư số 21/2018/TTBNNPTNT và Thông tư số 13/2020/TT-BNNPTNT để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hải sản không bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EC.

Đôn đốc các địa phương tiếp tục thực hiện việc công bố mở cảng cá theo Luật Thủy sản 2017; chuẩn bị công bố cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh: Tập đoàn Việt Úc và Công ty cổ phần Thực phẩm Trung Sơn xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh (ATDB); Công ty TNHH Moana Ninh Thuận xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống ATDB. Phối hợp với Chi cục CN&TY Ninh Thuận hướng dẫn, thẩm định, công nhận ATDB đối với các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn.

Đối với công tác quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm: Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Brazil... trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Tiếp tục duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP trong thủy sản nuôi; vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; sản phẩm nông, thủy sản chế biến. Căn cứ kết quả giám sát, đề xuất biện pháp xử lý, tổ chức thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm. Tổng hợp, báo cáo, thông qua Hội đồng thẩm định kết quả chấm điểm địa phương công tác ATTP lĩnh vực nông nghiệp.

Đặc biệt, phối hợp với các Báo, Đài (Báo Nông nghiệp, Báo Đại biểu Nhân dân, VTV, VOV...) triển khai kế hoạch thông tin, truyền thông năm 2021; Triển khai các dự án quốc tế về an toàn thực phẩm với Hà Lan, Canada, Nhật Bản, Ailen theo kế hoạch.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác