Thứ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Tổng cục Thủy sản về định hướng chiến lược phát triển ngành thủy sản trong thời gian tới (03-03-2021)

Ngày 03/3/2021, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Tổng cục Thủy sản nghe báo cáo về tình hình sản xuất thủy sản và định hướng phát triển ngành thủy sản trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Tổng cục Thủy sản về định hướng chiến lược phát triển ngành thủy sản trong thời gian tới

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT  Phùng Đức Tiến và các đơn vị trực thuộc Bộ, Tổng cục Thủy sản.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đã báo cáo về tình hình sản xuất của ngành thủy sản trong năm 2020, chỉ ra những thuận lợi khó khăn đối với ngành thủy sản và định hướng phát triển ngành trong thời gian tới.

Theo báo cáo năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8%, trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD (tương đương với năm 2019).

Trong đó, lĩnh vực nuôi trồng năm 2020 đã vượt qua những khó khăn thách thức cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt khoảng 1.300.000 ha (bằng 100% so với cùng kỳ 2019) và khoảng 10.000.000 m3 lồng (7.500.000 m3 lồng nuôi mặn lợ và 2.500.000 m3 nuôi ngọt); sản lượng nuôi đạt 4,56 triệu tấn (tăng 1,5% so với năm 2019). Một số đối tượng nuôi chủ lực: Trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 900.000 tấn (tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tăng 1%; tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn, tăng 8,5%; tôm khác 50.000 tấn), cá tra 1.560.000 tấn (bằng 96,9% so với cùng kỳ).

Đối với lĩnh vực khai thác trong năm 2020 đã trải qua một năm hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19 và tình hình thiên tai xảy ra liên tục đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất. Trên cả nước hiện có 94.572 tàu cá, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,85 triệu tấn (tăng 2,06% so với năm 2019), trong đó khai thác biển đạt 3,65 triệu tấn (tăng 2,1% so với cùng kỳ), khai thác nội địa 203 nghìn tấn (tăng 0,7% cùng kỳ).

Tại buổi làm việc, ông Trần Đình Luân cũng đã chỉ ra những khó khăn thách thức của ngành thủy sản đang gặp phải như: Nguồn lợi thủy sản tiếp tục suy giảm, cường lực khai thác tăng cao trong thời gian qua dẫn đến hiệu quả sản xuất của nghề khai thác hải sản giảm, nhưng chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức trong công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng bảo quản và giá trị sản phẩm thủy sản khai thác.

Tình hình tàu cá vi phạm các quy định về khai thác thuỷ sản như: Sử dụng ngư cụ cấm, hoạt động đánh bắt hải sản sai vùng, trái phép ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp.

Hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản chưa đảm bảo, chưa tương xứng với lợi thế và giá trị xuất khẩu hàng năm của ngành Thủy sản. Hạ tầng tại cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão còn thiếu hoặc xuống cấp, không đáp ứng được theo các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, chưa đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cảng cá, tổn thất sau thu hoạch còn ở mức cao. Cơ sở hạ tầng cho hệ thống nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản chất lượng cao còn chưa được quan tâm đầu tư nhiều. Hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được cải thiện, dịch bệnh tiếp tục xảy ra.

Theo định hướng của ngành thủy sản trong giai đoạn tới tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, tập trung phát triển lĩnh vực nuôi biển, cơ cấu lại đội tàu khai thác, nâng cao hiệu quả trong hoạt động khai thác thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị các sản phẩm và giảm sản lượng khai thác thủy sản.

Cụ thể, chỉ tiêu đặt ra trong năm 2021 đối với ngành thủy sản là tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt 8,60 triệu, bằng 102,1% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác: 3,85 triệu tấn, bằng 99,0% so với năm 2020 và sản lượng nuôi đạt 4,75 triệu tấn, bằng 104,0% so với năm 2020.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận chỉ ra những thuận lợi, khó khăn mà ngành thủy sản đang gặp phải. Bên cạnh đó, chỉ ra những cơ hội và thách thức từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng của ngành thủy sản và giải pháp vượt qua những thách thức trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch khẳng định, ngành thủy sản là một trong trụ cột quan trọng đóng góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành thủy sản luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao bình quân 5,6%/năm. Bên cạnh đó, ngành thủy sản còn có tiềm năng và dư địa cho phát triển trong thời gian tới khi một loại các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn đã được ký kết và có hiệu lực. Mặt khác, đội ngũ doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đã có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thương mại quốc tế, khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Hội nhập của ngành thủy sản được đánh giá rất sớm và sâu rộng, dây chuyền sản xuất chế biến được đánh giá tiến tiến của thế giới, ông Việt nhấn mạnh. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang đứng trước không ít những thách thức như: Tổ chức bộ máy quản lý trong lĩnh vực còn hạn chế, số lượng nhân lực thiếu, nguồn lực lao động phục vụ hoạt động khai thác thủy sản ngày càng thiếu về số lượng, yếu về trình độ, Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản, đặc biệt là hạ tầng nghề cá rất ít, chưa có cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng nghề cá, công nghệ trong hoạt động khai thác còn lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch còn lớn, rào cản từ thị trường tiêu thụ ngày càng khắt khe…Ông Việt nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, Lê Trần Nguyên Hùng cho biết, theo định hướng phát triển ngành thủy sản trong thời gian tới cần gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tập trung thực hiện 07 nhóm giải pháp như: Xây dựng Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; thực hiện các giải pháp cấp bách bảo vệ các khu bảo tồn biển; ban hành Chương trình tổng thể điều tra nguồn lợi thủy sản; xây dựng chương trình quốc gia về bảo vệ nguồn lợi  thủy sản; tập trung công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản thông qua thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Thủy sản với Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam và thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tại buổi làm việc, thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ ra những khó khăn đối với ngành thủy sản đang gặp phải và giải pháp định hướng phát triển trong giai đoạn tới đối với ngành thủy sản. Về khó khăn, thứ trưởng cho rằng với hạ tầng phục vụ ngành thủy sản hiện nay rất yếu kém, vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng thủy sản hằng năm chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển, trong khi đó cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp tham gia, công nghệ chưa được đầu tư tương xứng với xu thế phát triển.

Theo định hướng phát triển của ngành thời gian tới, thứ trưởng cho rằng cần tập trung huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thủy sản. Nghiên cứu cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực xã hội hóa vào đầu tư hạ tầng.

Đối với lĩnh vực khai thác cần cơ cấu lại ngành nghề khai thác một cách hợp lý, giảm sản lượng khai thác thủy sản cùng với đó ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tập trung công tác bảo tồn biển, tăng diện tích các khu bảo tồn biển. Tập trung phát triển hạ tầng, chính sách phát triển nuôi biển. Đưa nuôi biển trở thành trụ cột chính trong phát triển thủy sản. Đối với nuôi trồng thủy sản, tập trung tăng trưởng toàn diện các đối tượng nuôi. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu làm chủ được công nghệ sản xuất nguồn giống chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của người nuôi trong nước. Bên cạnh đó, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Phát biểu kết luận, thứ trưởng Lê Minh Hoan, nhấn mạnh 3 thách thức đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng phải đối mặt trong thời gian tới đó là: Biến đối khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất trong lĩnh vực thủy sản. Hai là biến động thị trường tiêu thụ, hiện nay Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các rào cản về thuế quan đã được gỡ bỏ nhưng các nước có xu hướng bảo hộ, rào cản về kỷ thuật được các đối tác thương mại dựng lên ngày càng khắt khe hơn. Ba là biến chuyển xu thế tiêu dùng, hiện tiêu dùng các sản phẩm có những thay đổi lớn về xu thế, vì vậy cũng ảnh hưởng lớn đến cách thức tiếp cận và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong thời gian tới, thứ trưởng cho rằng cần nghiên cứu và hiện thực hóa đưa nội dung về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Tiếp tục phát triển nền nông nghiệp sạch, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh gắn nông nghiệp và thị trường.

Đối với lĩnh vực thủy sản trước sức ép của tăng trưởng và bảo tồn cần phải có chiến lược phát triển cụ thể phát huy những tiềm năng lợi thế của ngành, mặt khác cần đánh giá tính bền vững để có chiến lược tổng thể. Xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia, nâng cao uy tín của các sản phẩm thủy sản trên trường quốc tế. Tăng cường liên kết chuỗi gắn kết chặt chẽ trong các khâu. Tập trung xây dựng hạ tầng nghề cá theo hướng hiện đại đáp ứng với nhu cầu phát triển và yêu cầu quốc tế. Sớm tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của  Ủy ban Châu Âu, đưa nghề cá phát triển bền vững.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác