Đắk Lắk: Các chỉ tiêu Kinh tế nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch 2020 (11-01-2021)

Năm 2020, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk đã triển khai kế hoạch trên cơ sở phát huy kết quả toàn diện đã đạt được trong năm 2019. Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 25.363 tỷ đồng, tăng 19,41% so với năm 2019 (là mức cao nhất trong 05 năm qua).
Đắk Lắk: Các chỉ tiêu Kinh tế nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch 2020

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức: Dịch bệnh COVID-19 xảy ra; Giá cả một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn; Biến đổi khí hậu, thời thiết tiếp tục diễn biến phức tạp; Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là các công trình thủy lợi xuống cấp hư hỏng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, với nhiệm vụ trọng tâm, then chốt là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và để triển khai thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Kế hoạch nhà nước năm 2020; Ngay từ đầu năm, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chương trình kế hoạch công tác của ngành năm 2020 để làm căn cứ chỉ đạo và triển khai thực hiện; từng bước khắc phục khó khăn. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì phát triển và đạt được kết quả tốt nhất trong 05 năm qua; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản của ngành đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Kết quả đạt được năm 2020

Trên cơ sở Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và các Quyết định của UBND tỉnh triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Ngày 07/01/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng và ban hành Chương trình kế hoạch công tác năm 2020, phân công các chi cục, trung tâm, đơn vị trực thuộc; Hàng tháng, hàng quý đều tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk còn phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện trên từng lĩnh vực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm ngư nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá với năng suất cao, chất lượng tốt, tăng sức cạnh tranh, bền vững, an toàn và hiệu quả, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhờ đó, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn ước đạt 25.363 tỷ đồng, bằng 113,74% kế hoạch, tăng 19,41% so với năm 2019 (bình quân 2016-2019 tăng 5,85%/năm); Tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành) là 41,52%, tăng 3,42% so với năm 2019. Dịch bệnh COVID-19 đã khiến các ngành khác (như Công nghiệp, Xây dựng, Dịch vụ) đều tăng trưởng âm.

Trong lĩnh vực thuỷ sản: Năm 2020, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, một số cơ sở tiếp tục phát triển nuôi trồng các loài thủy sản đặc sản, giá trị kinh tế cao, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và hoàn thành đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra:

Sản lượng cá bột 1.000 triệu con, đạt 100% kế hoạch năm 2020 (giảm 450 triệu con so với năm 2019); sản lượng cá giống 65 triệu con, đạt 100%KH (bằng năm 2019); diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 13.050 ha, đạt 90%KH (tăng 1.550ha so với 2019); sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 25.000 tấn, đạt 100%KH (tăng 2.500 tấn so với 2019), sản lượng khai thác 1.700 tấn đạt 117,2%KH (bằng năm 2019).

Tổng số lồng nuôi cá nước lạnh 484 lồng (bằng năm 2019), với diện tích mặt nước sử dụng là gần 04 ha; tổng số lồng nuôi cá trên hồ chứa 947 lồng (tăng 124 lồng so với 2019). Thả cá giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản được 50.000 con; đã thực hiện 31 đợt tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi trên các hồ. Ngoài ra, thường xuyên theo dõi nắm bắt và báo cáo kịp thời tình hình khai thác thủy sản tại các huyện, thị xã, thành phố và hoạt động của các Chi hội nghề cá trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được tăng cường; liên kết sản xuất, phát triển thị trường được mở rộng: Năm 2020, công tác công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng, ATTP tiếp tục được tăng cường. Qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, chấp hành nghiêm túc hơn các quy định của Nhà nước đối với các sản phẩm sản xuất kinh doanh.

Tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo và triển khai xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản để giải quyết “nút thắt” ở khâu sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các địa phương đã tích cực mời gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân, đặc biệt là trang trại chăn nuôi. Thông qua tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất đã góp phần tổ chức lại sản xuất theo nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Bên cạnh đó, công tác chế biến, xúc tiến thương mại từng bước được đẩy mạnh: Tỉnh đã tích cực tham dự các Hội nghị, hội thảo kết nối tiêu thụ nông sản; Tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh tham gia Hội nghị, Hội chợ, Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản. Thông qua các Hội chợ, Hội nghị, doanh nghiệp đã tìm hiểu thông tin về nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quan hệ hợp tác.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới: Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh lũy kế có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 42,1%, tăng 7,8% (12 xã) so với cùng kỳ 2019, vượt 2% (03 xã) so với kế hoạch; có 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Bình quân đạt 15,2 tiêu chí/xã, tăng 0,2 tiêu chí/xã so với KH, gồm: 04 xã đạt 17-18 tiêu chí; 17 xã đạt 15-16 tiêu chí; 18 xã đạt 13-14 tiêu chí; 38 xã đạt 10-12 tiêu chí, 11 xã đạt 6-9 tiêu chí.

Nhìn chung, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự cố gắng nỗ lực của các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân nên mặc dù từ đầu năm đến nay, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có bước phát triển khá. Đời sống nhân dân cơ bản ổn định, nhận thức của cán bộ, Đảng viên và người dân về Chương trình nông thôn mới ngày được nâng lên; đại bộ phận nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, tích cực thi đua, lao động sản xuất, tiếp tục hưởng ứng tích cực phong trào “Đắk Lắk chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành ngày càng nâng cao: Các cuộc thanh tra, kiểm tra đã giúp cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong sản xuất kinh doanh nâng cao được ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật, các quy định của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của đơn vị được thanh tra; đề xuất, kiến nghị xử lý nghiêm minh các vi phạm không chấp hành các quy định của pháp luật.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được Lãnh đạo Sở đặc biệt quan tâm; đã triển khai kịp thời đúng quy định các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác cải cách hành chính; công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức được chú trọng, chất lượng đội ngũ công chức từng bước được nâng lên; ý thức và nhận thức của công chức, viên chức đã có những chuyển biến đáng kể trong nhận thức về trách nhiệm của mình trong công tác cải cách hành chính.

Đánh giá chung

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 xảy ra, giá cả một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn ở mức thấp, tiêu thụ sản phẩm hết sức khó khăn, thời tiết thiên tai diễn biến cực đoan, nhất là mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, tình hình khô hạn những tháng đầu năm xảy ra và kéo dài đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân nhưng tỉnh Đắk Lắk đã hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì phát triển và đạt kết quả tốt, thực hiện đúng tiến độ, diện tích gieo trồng và năng suất, sản lượng đều vượt kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt kế hoạch: Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn ước đạt 25.363 tỷ đồng, tăng 19,41% so với năm 2019 (cao nhất trong 05 năm qua). Các công tác khác được thực hiện tốt, đảm bảo yêu cầu phục vụ cho sản xuất và đạt kế hoạch đề ra: Triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực; sản xuất có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được chú trọng; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục được nâng cấp và hiện đại hóa; hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu; công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được chỉ đạo triển khai mạnh mẽ…

Có thể khẳng định, năm 2020 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức thì đây là một nỗ lực lớn của ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, kết quả đạt được khá toàn diện, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác