Năm 2021, tỉnh Đắk Lắk đặt các mục tiêu kinh tế nông, lâm, thủy sản tăng từ 3,76 - 3,85% (11-01-2021)

Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk đang phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Năm 2021, tỉnh Đắk Lắk đặt các mục tiêu kinh tế nông, lâm, thủy sản tăng từ 3,76 - 3,85%
Ảnh minh họa

Trong năm 2021, dự báo dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, quá trình mở cửa của nhiều quốc gia đã chậm lại, nền kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Co Vid-19, tuy nhiên sẽ có bước phục hồi, tăng trường; chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, cuộc cách mạng lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự tăng dân số, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới có xu hướng tăng nhưng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn. Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới tạo điều kiện cho ngành nông lâm thủy sản Việt Nam mở rộng sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng trên thị trường thế giới. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành Nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại quyết liệt hơn, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn.

Tình hình trong nước: Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và có nhiều quyết sách tạo thuận lợi hơn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và là năm đầu tiên thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Các chính sách hỗ trợ phát triển và những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường tiếp tục được chú trọng và phát huy hiệu quả; những kết quả tích cực kinh tế cả nước và của ngành năm 2020... sẽ tác động tích cực, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển.

Đứng trước bối cảnh đó, tỉnh Đắk Lắk đã xác đinh: Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm đầu tiên thực hiện các chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm 2020-2025 của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch 5 năm của HĐND tỉnh và UBND tỉnh. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành đã xác định “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.

Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành Nông nghiệp năm 2021: Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản phấn đấu đạt 18.711 tỷ đồng, tăng 3,79% so với năm 2020. Tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu kinh tế đạt 33,65%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 45.798 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 3,85% so với năm 2020; theo giá hiện hành là 66.790 tỷ đồng, tăng 3,76% so với năm 2020. Thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 82,65% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, tăng 0,65% so với năm 2020. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,5%, tăng 0,5% so với năm 2020. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 39,04%, tăng 0,3% so với năm 2020. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 45,4%, tăng 5,3% so với năm 2020.

Phương hướng phát triển

Xác định sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường và xây dựng nông thôn mới là nòng cốt, là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, có các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để khắc phục khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh dịch bệnh Covid-19, phát huy các tiềm năng lợi thế để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tiếp thục thực hiện và đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả, bền vững.

Phát triển nông thôn và thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Đổi mới và phát triển các Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ trong nông nghiệp, phát triển; kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất đề kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nhất là liên kết, hợp tác với nông dân (thông qua hợp tác xã) đầu tư vào sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất rừng. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, phân công phân cấp rõ ràng cụ thể, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy làm việc; trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao tính chủ động, sáng tạo, vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, của người đứng đầu; tăng cường kỷ cương, kỷ luật; nâng cao đạo đức công vụ, tạo ra môn sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của ngành để phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của ngành.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp từ 3,79% trở lên và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt 09 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chủ yếu sau: (1) Nâng cao năng lực xây dựng, triển khai văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện các Nghị quyết, Đề án của ngành; Tiếp tục rà soát, xây dựng hoàn thiện và triển khai đồng bộ các Đề án sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản quan trọng của ngành gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; (2) Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; (3) Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; (4) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến và thương mại nông lâm sản và thuỷ sản;

(5) Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ thuật và công tác Khuyến nông, Giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp; Chủ động nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, có hiệu quả cao, bền vững để khuyến cáo, phổ biến trong sản xuất; (6) Phát triển kết cấu hạ tầng thuỷ lợi, nước sạch môi trường nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; (7) Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình bố trí dân cư; (8) Tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; (9) Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chủ yếu nêu trên, đối với lĩnh vực quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm: Tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản đến người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, đào tạo tập huấn, pano, áp phích, trên các phương tiện thông tin đại chúng… để thay đổi hành vi về bảo đảm chất lượng ATTP. Hoàn thiện quy chế phối hợp, phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng cho các ngành, các cấp trong công tác quản lý chất lượng, ATTP, chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản. Tập trung đẩy mạnh và ưu tiên nguồn lực để áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả, bền vững.

Tập trung triển khai và tham mưu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, phát triển chế biến nông lâm sản, đặc biệt là các cơ sở chế biến sâu, tinh chế nông lâm sản; công nghệ bảo quản sau thu hoạch; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nông lâm thủy sản, các hoạt động kết nối sản xuất với thị trường; xúc tiến hỗ trợ xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ tổ chức, cá nhân nhanh và chất lượng Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, tăng số lượng thủ tục thực hiện mức độ 4. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý chất lượng các vật tư nông nghiệp, nhất là tăng cường thanh kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm minh các cơ sở sai phạm.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực Thủy sản: Tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; rà soát, bổ sung tham mưu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực thủy sản; Phát triển thủy sản tại các thủy vực sông, hồ chứa theo quan điểm bền vững; Phát triển thêm các cơ sở sản xuất giống chất lượng cao; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào vùng nuôi thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao; thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá các sản phẩm thuỷ sản đạt chất lượng; thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc con giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh; phát triển đồng bộ nuôi trồng và khai thác thủy sản; khuyến khích phát triển các hình thức nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh; thả cá, bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản ở một số thủy vực trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuần tra và xử lý vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Năm 2021, phấn đấu diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đạt trên 15.000ha; Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt trên 27.200 tấn (trong đó nuôi trồng là 25.500 tấn và khai thác là trên 1.700 tấn).

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác