Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản (25-12-2020)

Ngày 22/12/2020, tại thành phố Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức “Hội nghị phổ biến Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn Luật và lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn Luật”. Lãnh đạo của 04 đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản (Vụ Pháp chế, Thanh tra; Vụ Nuôi trồng thủy sản; Vụ Khai thác thủy sản; Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản) đồng chủ trì Hội nghị.
Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản

Hội nghị đã phổ biến những nội dung chính trong Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn và lấy ý kiến cho 04 bản dự thảo sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản 2017, gồm: (1) Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; (2) Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; (3) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 Thông tư trong lĩnh vực thủy sản; (4) Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Đến tham dự Hội nghị có lãnh đạo, chuyên viên của các đơn vị có liên quan (thuộc Tổng cục Thủy sản); Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Đại diện lãnh đạo và cán bộ phòng chuyên môn thuộc Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các tỉnh thành (từ Đồng Nai đến Kiên Giang); Ban Quản lý cảng cá, Ban Quản lý khu bảo tồn biển; Liên minh Hợp tác xã, Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp thủy sản…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn đưa ra các ý kiến đóng góp; nêu lên những nội dung chưa phù hợp, cần sửa đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hài hòa với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đối với Nghị định 26/2019/NĐ-CP

Ban soạn thảo đã báo cáo việc xin ý kiến và những vấn đề tiếp thu, giải trình ý kiến đề xuất của địa phương và Dự thảo nội dung sửa đổi Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Theo đó, các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung xoay quanh 04 lĩnh vực sau: (1) Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản; (2) Nuôi trồng thủy sản; (3) Khai thác thủy sản; (4) Kiểm ngư. Theo Ban soạn thảo thì các nội dung sửa đổi Nghị định 26/2019/NĐ-CP sẽ phải cân nhắc rất kỹ, nhất là những nội dung liên quan đến các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản đã nêu 08 nội dung trọng tâm, đề xuất các đại biểu tập trung trao đổi. Đối với vấn đề sản xuất/kinh doanh thủy sản bố mẹ và giống thủy sản, lãnh đạo Tổng cục đã nhấn mạnh khái niệm “đàn thuần chủng”. Liên quan đến “Danh mục cấm” và “Danh mục được phép”, ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, những đối tượng nào nằm giữa 02 danh mục này, sẽ phải tiến hành khảo nghiệm để quyết định đưa vào “Danh mục cấm” hay “Danh mục được phép sản xuất”. Bà Phan Thị Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra) giải thích thêm: Trong một số trường hợp, giống thủy sản/ thức ăn thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam, mặc dù đã được nước ngoài khảo nghiệm nhưng khi về đến Việt Nam sẽ phải tiến hành khảo nghiệm lại vì điều kiện khí hậu, môi trường ở Việt Nam không giống như nước ngoài. Đối với vấn đề này, ông Trần Công Khôi đã giải thích để phân biệt rõ 02 nội dung sau: Các sản phẩm đã được nước ngoài khảo nghiệm, khi về đến Việt Nam, sẽ được đưa vào “Danh mục được phép lưu hành”. Trong trường hợp muốn sản xuất tại Việt Nam thì phải tiến hành khảo nghiệm lại tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sản phẩm phải được công bố hợp quy, cấp mã số thì mới được lưu thông trên thị trường.

Đối với Nghị định 42/2019/NĐ-CP

Các nội dung đề xuất sửa đổi liên quan đến “Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả” đã đề cập 08 loại hành vi vi phạm quy định về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Nuôi trồng thủy sản; Giống thủy sản; Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; Khai thác thủy sản; Tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; Thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản; Cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản.

Ngày 13 tháng 11 năm 2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, Luật này có hiệu lực thi hành. Vì vậy, tại “Bảng tiếp thu, giải trình ý kiến đề xuất của địa phương và Dự thảo nội dung sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản”, Ban soạn thảo đã cân nhắc các nội dung sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật mới này. Bà Phan Thị Huệ đề nghị đại biểu tập trung rà soát 06 nội dung: (1) Nguyên tắc xử phạt, thời hiệu xử phạt; (2) Tăng mức trần; (3) Mở rộng quyền xử phạt cho một số chức danh; (4) Trình tự xử phạt; (5) Những quy định về miễn/giảm cho các tổ chức bị xử phạt hành chính; (6) Các biện pháp ngăn chặn (như tịch thu tang vật).

Về nội dung sửa đổi 08 thông tư trong lĩnh vực thủy sản

Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Thông tư số 20/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trang phục, biểu trưng, cờ hiệu, cờ truyền thống, thẻ kiểm ngư và màu sơn tàu, xuồng kiểm ngư; Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; Thông tư số 22/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản; Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá; Thông tư số 24/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; Thông tư số 25/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục đánh giá rủi ro, cấp phép nhập khẩu thủy sản sống; Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, trong 08 thông tư trên (từ 19 đến 26) có 01 thông tư đã được sửa đổi, bổ sung; 07 thông tư còn lại chưa được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Ban soạn thảo đã Dự thảo 01 thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 thông tư (từ Thông tư 19 đến 26, trừ Thông tư 21). Trước đó, ngày 09 tháng 11 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Theo Ban soạn thảo thì Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 thông tư (từ Thông tư 19 đến 26, trừ Thông tư 21) đã được cân nhắc trên cơ sở những ý kiến đóng góp. Ban soạn thảo cũng đã báo cáo việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp, các nội dung đề xuất bổ sung, sửa đổi.

Tất cả các thắc mắc của đại biểu đã được chủ trì Hội nghị giải đáp thỏa đáng, dễ hiểu và có sức thuyết phục. Ví dụ như trường hợp đại biểu nêu ý kiến “Cá chim trắng không nên nuôi trên hệ thống sông Đồng bằng sông Cửu Long, vì là cá dữ, sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản trên hệ thống sông này”, ông Trần Công Khôi khẳng định: Cá chim trắng nước ngọt là loài được phép sản xuất tại Việt Nam, đối tượng này sẽ tiếp tục được xem xét và giám sát. Đối với ý kiến “Tái tạo nguồn lợi thủy sản đã đạt được chiều rộng, nhưng cần đi vào chiều sâu, các cơ quan chuyên môn cần kiểm tra mã ADN của các loài thủy sản phục vụ cho việc thả để tái tạo nguồn lợi”, ông Lê Trần Nguyên Hùng (Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản) cho biết: Tổng cục Thủy sản đã hướng dẫn thả giống tái tạo và phóng sinh các loài thủy sản.  

Cụ thể là: Ngày 04 tháng 8 năm 2020, Tổng cục Thủy sản đã gửi Công văn số 1500/TCTS-BTPTNL tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo việc thả giống tái tạo và phóng sinh các loài thủy sản, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam. Nhằm hạn chế những vấn đề tồn tại và hướng dẫn các địa phương trên cả nước thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản được thống nhất, đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính khoa học và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, kết hợp triển khai Bản ghi nhớ hợp tác với Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng 02 tài liệu hướng dẫn: (1) Tài liệu hướng dẫn quy trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; (2) Sổ tay hướng dẫn hoạt động phóng sinh các giống loài thủy sản.

Trên cơ sở nội dung 02 tài liệu này, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, triển khai thực hiện và tuyên truyền, phổ biến tới các đối tượng có liên quan. Ông Hùng bổ sung thêm, ngành Thủy sản đặc biệt ưu tiên bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, bản địa; Các thông tin này đều được đăng trên Trang tin điện tử Tổng cục Thủy sản. Trong thời gian tới, Vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu và có những hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản.

Hội nghị đã nhận được 15 lượt ý kiến với tổng số 41 ý kiến cụ thể được thảo luận ngay tại Hội nghị. Sau những ý kiến trao đổi, tranh luận, các đơn vị chuyên môn giải đáp thắc mắc cho các đại biểu, toàn thể Hội nghị đã nhất trí rằng: Điểm khó hiện nay đối với những người soạn thảo, là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, hài hòa với các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác