Xã Cư Ni – huyện EaKar: Hướng phát triển mới từ hiệu quả những mô hình (23-12-2020)

Huyện EaKar có diện tích 1036,998 km2, có16 đơn vị hành chính cấp xã, trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Ea Kar, Ea Knốp và 14 xã. Toàn huyện có diện tích  nuôi trồng thủy sản: 1.570 ha, 53 hồ chứa và có 20 hộ dân nuôi cá lồng bè trên hồ chứa. Xã Cư Ni được đánh giá là EaKar. xã có tiềm năng và điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản mạnh nhất của huyện Theo số liệu thống kê của Phòng Nông Nghiệp huyện EaKar  (đến tháng 9/2020), toàn xã Cư Ni có tổng diện tích mặt nước: 114ha, diện tích nuôi trồng thủy sản: 110 ha; Năng suất bình quân: trên 2 tấn/ha; Có 03 hộ nuôi lồng bè với diện tích lồng 1.830m3.
Xã Cư Ni – huyện EaKar: Hướng phát triển mới từ hiệu quả những mô hình
Lãnh đạo TTKN – GCTVN&TS cùng CBKT kiểm tra cá năm 2019

Với tiềm năng tương đối thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng bè tại xã Cư Ni, huyện EaKar tuy nhiên việc phát triển nuôi cá lồng còn hạn chế về các mặt (qui mô, đối tượng, năng suất). Đồng thời, các mô hình còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật. Để nhằm phát triển nghề nuôi cá trong lồng bè ngày càng bền vững và mở rộng Trạm khuyến nông huyện EaKar  đã lần lượt xây dựng mô hình trình diễn từng đối tượng tại từng địa phương để từng bước nhân rộng và phát triển. Cụ thể, trong năm 2019 và năm 2020 Trạm đã được sự hỗ trợ  nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông – Giống Cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản Tỉnh Đăk Lăk liên tục xây dựng các mô hình nuôi cá lồng bè bằng đối tượng Rô phi và Diêu hồng.

Quá trình thực hiện

Dựa vào điều kiện, đặc điểm tự nhiên của địa phương và nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, Trạm Khuyến nông huyện EaKar đã lựa chọn đối tượng là Rô Phi và Diêu Hồng đưa vào nuôi lồng bè. Trong 02 năm triển khai thực hiện có 03 hộ tham gia với tổng diện tích lồng 105m3. Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ 70% con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học. Ngoài ra, các hộ gia đình tự đầu tư về lồng bè và 30% giá trị về con giống, thức ăn cùng chế phẩm sinh học.  Các hộ tham gia được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật như: cách lắp đặt, vệ sinh  lồng bè theo quy cách phù hợp; vệ sinh khử trùng lồng và khu vực nuôi; xác định vị trí đặt lồng...; chăm sóc nuôi dưỡng cá trong lồng bè; cách phối trộn thức ăn từ nguyên liệu tại chỗ; biện pháp phòng bệnh gây hại cho cá; ghi chép nhật ký “Sổ theo dõi mô hình” làm căn cứ hạch toán...  Ngoài ra, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát cơ sở để theo dõi, hướng dẫn các hộ chăm sóc nuôi dưỡng đàn cá.

Hiệu quả của mô hình

Các mô hình này đem lại giá trị kinh tế cao cho các nông hộ. Cụ thể, đối với mô hình nuôi cá Rô phi  sau 06 tháng thả nuôi, có tỷ lệ sống 80%, trọng lượng thu hoạch hơn 0,8kg/con, năng suất đạt hơn 64kg/m3. Còn đối với cá Diêu Hồng sau 03 tháng nuôi tỷ lệ sống đạt 85%, trọng lượng bình quân 0,4 kg/con, năng suất tại thời điểm đánh giá 34kg/m3.  

So với các chỉ tiêu đặt ra các chỉ tiêu kỹ thuật đều vượt so với yêu cầu đặt ra. Cụ thể:  mô hình cá Rô phi năm 2019 có tỷ lệ sống đạt 80%/70% (tăng 14% so với kế hoạch); Trọng lượng 0,8 kg/0,5kg (tăng 60% so với kế hoạch); Nông dân rất phấn khởi và đánh giá cao chất lượng của mô hình. Theo tính toán với giá bán bình quân tại thời điểm cá đạt trọng lượng 0,8kg/con là 35.000đồng/kg thì mô hình sẽ thu lợi nhuận hơn 30.000.000 đồng/45m3 lồng trong thời gian nuôi 6 tháng.

Hội thảo đánh giá mô hình năm 2020

Cần tuân thủ kỹ thuật

Với kết quả mô hình sau 02 năm thực hiện đã cho thấy hiệu quả của mô hình mang lại rất cao. Tuy nhiên, để mô hình triển khai ở diện nhân rộng và bền vững  Trung tâm Khuyến nông – Giống Cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk  khuyến cáo: các nông hộ cần đặc biệt chú ý triển khai đồng bộ các khâu từ lựa chọn thời vụ thả giống, nguồn giống cung ứng, thức ăn, quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh. Đặc biệt, để mô hình hướng tới an toàn vệ sinh thực phẩm các hộ nông cần tuân thủ nghiêm ngặt về sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi  và hạn chế tối đa về sử dụng các loại kháng sinh trong quá trình thực hiện.

Mở hướng phát triển trong thời gian tới

Từ hiệu đạt được của mô hình đã tạo động lực thúc đẩy bà con ngư dân tham gia xây dựng mô hình mạnh dạn đầu tư vốn, thay đổi phương thức chăn nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, Hội nông dân xã Cư Ni nhận thấy với điều kiện tự nhiên và tiềm năng sẵn có của địa phương cùng với khả năng thích ứng các mô hình nuôi cá lồng bè của 02 năm qua  cần xây dựng một hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Hội nông dẫn xã Cư Ni đã phối hợp với các cơ quan ban ngành đã tìm ra con đường mới cho phát triển thủy sản bằng cách thành lập Hợp tác xã. Tính đến thời điểm tháng 12/2020, Hội nông dân xã đã kêu gọi 15 thành viên là những người đã và đang nuôi cá trên địa bàn của xã tham gia vào Hợp tác xã. Hợp tác xã được mang tên “Hợp tác xã Nông nghiệp, Thủy sản và Dịch vụ Thành Phát”, sẽ đóng trụ sở tại thôn 10 xã Cư Ni. Dự kiến trong tháng 1/2021 sẽ chính thức ra mắt hợp tác xã.

Kéo cá thu hoạch mô hình năm 2019

Cần nhân rộng

Kết quả các mô hình nuôi cá lồng bè đã tác động mạnh mẽ tới địa phương xã Cư Ni nói riêng và huyện EaKar nói chung. Bởi vậy, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk cần xây dựng chương trình chiến lược về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp với từng điều kiện phát triển của địa phương để nhằm phát huy lợi thế của từng vùng miền. Qua đó nhằm góp phần thay đổi về  tư duy, phương thức  canh tác trong nông nghiệp của bà con cũng như những khơi dậy những định hướng của các nhà kỹ thuật của từng địa phương. Từ đó, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới cho tỉnh nhà trong tương lai.

Nguyễn Thị Hồng Duyên (Trung tâm Khuyến nông – Giống Cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác