Bình Thuận tăng cường triển khai công tác phối hợp trong phòng chống khai thác IUU (20-12-2020)

Ngày 18/12/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Bình Thuận tăng cường triển khai công tác phối hợp trong phòng chống khai thác IUU

Hội nghị đã nghe báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU và công tác phối hợp giữa các lực lượng năm 2020. Đồng thời, triển khai các nội dung sau Hội nghị phổ biến kết quả làm việc với Đoàn Thanh tra EC của Tổng cục Thủy sản và công tác phối hợp giữa các lực lượng trong giám sát, kiểm soát tàu cá cập cảng, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và hoạt động của Văn phòng kiểm soát nghề cá tại cảng.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT (Thường trực Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh) đã phối hợp các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tích cực, chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá vi phạm khai thác trái phép bị nước ngoài bắt giữ; xử lý 438 vụ vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản (trong đó, tước quyền sử dụng có thời hạn 10 giấy phép khai thác thủy sản, 15 chứng chỉ thuyền trưởng, tịch thu 162 kích điện, 9 đụt lưới, 9 ngư cụ cấm); thu được 5.133 nhật ký khai thác trên tổng số 20.259 lượt tàu cập cảng, đạt tỷ lệ 25,3%; cấp 79 Giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác cho 1.667 tấn hải sản, 133 Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho 3 doanh nghiệp trong tỉnh với 2.882,639 tấn hải sản các loại; triển khai lắp đặt được 1.757 thiết bị giám sát hành trình trên tổng số 1.920 tàu cá từ 15 mét trở lên, đạt tỷ lệ 91,51%; thực hiện đăng kiểm cho 3.057 tàu cá, cấp 3.855 lượt Giấy phép khai thác thủy sản.  

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tuy bước đầu ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, song vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ, đáng chú ý là nhóm tàu cá khai thác xa bờ thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá tuy có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa hoàn thành theo thời hạn; các hành vi vi phạm khai thác IUU theo Luật Thủy sản 2017 trên địa bàn tỉnh còn khá phổ biến, đặc biệt là tình trạng ngư dân không ghi, không nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, không khai báo khi ra vào cảng cá; công tác thực thi pháp luật về quản lý tàu cá, kiểm soát tàu cá xuất bến, nhập bến, khai báo sản lượng, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác còn hạn chế; xử lý vi phạm khai thác bất hợp pháp tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự quyết liệt, có trường hợp còn nương nhẹ, thiếu tính răn đe, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả chống khai thác IUU trên địa bàn; cơ sở hạ tầng một số cảng cá xuống cấp ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng, vệ sinh môi trường; bộ máy, nhân lực quản lý tại một số cảng cá chưa đáp ứng yêu cầu; kinh phí phục vụ công tác chống khai thác IUU còn hạn hẹp.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp về chống khai thác IUU trong thời gian tới, Hội nghị thống nhất triển khái các nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức, từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các địa bàn trọng điểm nghề cá, cộng đồng ngư dân, góp phần cùng cả nước sớm tháo gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu EC.

2. Tập trung rà soát, triển khai quyết liệt các biện pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU tại các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm nghề cá, trước hết là 04 nhóm khuyến nghị Đoàn Thanh tra EC sau lần kiểm tra thứ hai. Đặc biệt tăng cường quản lý, giám sát, ngăn chặn kịp thời, kiên quyết không để xảy ra bất kỳ tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ xuất bến, nhập bến; thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa các tỉnh, Quy chế phối hợp giữa tỉnh với các lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, đồng thời phát huy hiệu quả của hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh để cảnh báo kịp thời các tàu cá khai thác xa bờ vượt ranh giới vùng biển Việt Nam; thực hiện khẩn trương, kiên quyết việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với số tàu cá còn lại gắn với hoàn thiện và vận hành có hiệu quả Trung tâm, Trạm dữ liệu giám sát tàu cá, phục vụ quản lý đa mục tiêu; thực hiện đồng bộ các biện pháp chế tài nghiêm khắc theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ đối với các hành vi khai thác IUU.

3. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý thuyền nghề giã cào bay khai thác trái phép, không để phức tạp, gây bức xúc trong ngư dân. Kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu cá hoạt động giã cào bay; xử lý nghiêm tàu cá hành nghề giã cào bay không được cấp phép, hoạt động sai nghề ghi trong giấy phép. Thực hiện quyết liệt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên số thuyền nghề giã cào bay  theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 990-TB/VPTU. 

4. Tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể các cấp, nhất là lực lượng chủ công, nòng cốt trong phòng chống khai thác (biên phòng, kiểm ngư, ban quản lý các cảng cá) trên cơ sở thực hiện tốt quy chế phối hợp gắn với đảm bảo nguồn lực thực hiện.

Hồ Văn Kim  - Chi cục Thủy sản Bình Thuận

Ý kiến bạn đọc

Tin khác