Đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin và triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (18-12-2020)

Ngày 18 tháng 12 năm 2020, tại 20 Thụy Khuê (Hà Nội), Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức “Hội thảo phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và các cam kết trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin và triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế mạnh mẽ, với 14 Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực, 04 Hiệp định đang trong quá trình đàm phán. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (còn được gọi là: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU; gọi tắt là: Hiệp định EVFTA) được coi là một trong những “Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới” với những cam kết sâu rộng và toàn diện so với các “Hiệp định Thương mại tự do truyền thống” - Mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0% với lộ trình ngắn); Có cơ chế thực thi chặt chẽ và hơn thế, nó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…

Trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA kể từ tháng 6/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên trong nhóm đàm phán mở cửa thị trường và phát triển bền vững để đạt được những kết quả đàm phán có lợi nhất đối với ngành hàng nông - lâm - thủy sản. Sau 14 phiên đàm phán, từ tháng 12/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan trong tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định EVFTA. Đối với các nội dung thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, về cơ bản, các cam kết của Việt Nam trong EVFTA đều tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết vào ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội; Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020. Hiệp định EVFTA tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường các nước châu Âu. Nhờ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh so với các mặt hàng của các nước chưa có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (nhất là nhóm các mặt hàng nông sản, thủy sản). EVFTA là một Hiệp định thế hệ mới, có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng.  

Để triển khai đồng bộ Hiệp định EVFTA trên cả nước và trong tất cả các lĩnh vực có liên quan, ngày 06 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 3233/QĐ-BNN-HTQT ngày 20/8/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; và để xác định các cơ quan đầu mối cụ thể cho từng lĩnh vực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Quyết định số 3156/QĐ-BNN-HTQT ngày 17/8/2020 chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trên cơ sở Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch thực hiện EVFTA nhằm triển khai các cam kết, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ để tận dụng tốt nhất cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực của Hiệp định trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể là, ngày 20 tháng 8 năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 3233/QĐ-BNN-HTQT ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Theo đó, đã phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác nhằm triển khai đầy đủ và hiệu quả Hiệp định này.

Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải cụ thể hóa vào các nhiệm vụ của đơn vị mình và triển khai các nội dung nhiệm vụ như sau:

(1) Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU: Tăng cường phổ biến về EVFTA, đặc biệt là cho các đối tượng chịu tác động như nông dân, tổ chức nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chú trọng tập huấn các quy định và cam kết của EVFTA, tập trung vào các chủ đề như thuế, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật, các quy định thị trường, xã hội và môi trường để bảo đảm các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả; Tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về thương mại - đầu tư, cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước EU để phổ biến kịp thời và hỗ trợ xử lý khó khăn cho nông dân, tổ chức nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong quá trình triển khai Hiệp định.

(2) Công tác xây dựng pháp luật, thể chế: Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của EVFTA; Rà soát pháp luật trong quá trình thực thi để có đề xuất điều chỉnh bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với các cam kết trong EVFTA và phù hợp với pháp luật trong nước; Tăng cường trao đổi thông tin giữa Việt Nam và EU và thực hiện các nghĩa vụ thông báo theo Hiệp định.

(3) Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Nông nghiệp: Tập trung đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học – công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường; Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý ngành để đáp ứng yêu cầu mới của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA; Nhanh chóng triển khai xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của EU; Thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU; Đẩy mạnh các Chương trình xúc tiến thương mại nông - lâm - thủy sản vào thị trường EU; Thu hút và thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường đầu tư chế biến sâu để gia tăng hàm lượng giá trị nội địa, nắm rõ các quy định của EVFTA để vận dụng đúng và hưởng lợi các ưu đãi từ Hiệp định (đặc biệt đối với nông - lâm - thủy sản đã qua chế biến); Tăng cường thu hút FDI từ EU vào nông nghiệp Việt Nam để gắn nông nghiệp Việt Nam với chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

(4) Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Đánh giá những tác động của EVFTA đến vấn đề lao động và việc làm khu vực nông thôn để có đề xuất các giải pháp phù hợp có thể thực hiện hiệu quả EVFTA; Nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức nông dân trong hội nhập EVFTA, qua đó cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho nông hộ quy mô nhỏ; Thúc đẩy thực thi đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định đa phương về môi trường, thủy sản, bảo tồn và bảo vệ động thực vật hoang dã mà Việt Nam đã tham gia; Đẩy mạnh triển khai các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin Hiệp định EVFTA và các cam kết trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngay sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (cuối năm 2015), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều đợt hội nghị/ tập huấn nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và các cam kết trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bình quân mỗi năm tổ chức 02 cuộc). Tuy nhiên, các đợt phổ biến này cho thấy, có thể do thời gian rà soát Hiệp định khá dài trong gần 4 năm (từ đầu năm 2016 đến năm 2019) nên các cán bộ làm công tác quản lý cũng như các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm để tiếp nhận đầy đủ các nội dung của Hiệp định EVFTA.

Để triển khai tốt các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 18 tháng 12 năm 2020, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức “Hội thảo phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và các cam kết trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (số 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Qua đó, giúp các cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về Hiệp định EVFTA, đặc biệt là cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp, giúp công tác quản lý và đề xuất tham mưu chính sách phát triển ngành Nông nghiệp đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đến tham dự Hội thảo có các đơn vị, tổ chức như: Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Trung tâm Thông tin thủy sản (Tổng cục Thủy sản); Nhóm Hỗ trợ Quốc tế (International Support Group - ISG); Văn phòng SPS Việt Nam (Vietnam Sanitary and Phytosanitary Notification Authority and Enquiry Point); cùng các diễn giả và các đại biểu là lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Viện nghiên cứu, các trường Đại học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số Hiệp hội và doanh nghiệp có liên quan.

Hội thảo đã phổ biến thông tin khái quát về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU; Các nội dung liên quan đến ngành Nông nghiệp, một số nội dung về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm; Các vấn đề về thuế, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng; Các quy định xã hội, thị trường, môi trường; Vấn đề về chỉ dẫn địa lý đối với hàng nông sản; Vấn đề đấu thầu trong EVFTA… Đặc biệt cuối buổi Hội thảo còn có phiên hỏi – đáp giữa các đại biểu với các diễn giả và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Nhờ đó, các đại biểu đã nắm rõ hơn Tổng quan về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU; Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA; Cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; Đấu thầu theo Hiệp định EVFTA; Tận dụng ưu đãi thuế quan thông qua Quy tắc xuất xứ hàng nông sản xuất khẩu đi EU; Các cam kết mở cửa thị trường nông – lâm – thủy sản trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU; Cam kết cắt giảm thuế quan đối với nông – lâm – thủy sản; Cam kết về thuế nhập khẩu; Lộ trình xóa bỏ thuế quan của EU đối với hàng hóa nông – lâm – thủy sản của Việt Nam; Lộ trình xóa bỏ thuế quan của Việt Nam dành cho hàng hóa nông – lâm – thủy sản của EU; Cam kết về xuất khẩu nông – lâm – thủy sản; Các quy định về hạn ngạch thuế quan (TRQ); Cam kết hạn ngạch thuế quan của EU đối với từng sản phẩm của Việt Nam; Cơ chế phân bổ TRQ của EU cho Việt Nam; Cơ chế phân bổ TRQ của EU cho mặt hàng gạo của Việt Nam; Cam kết hạn ngạch thuế quan của Việt Nam dành cho EU; Cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA; Cam kết về chỉ dẫn địa lý; Danh mục các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ; Các nội dung cơ bản về “Thương mại và phát triển bền vững” (Chương 15 của Hiệp định EVFTA); Cam kết về đa dạng sinh học; Cam kết về biến đổi khí hậu; Quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản...

Đặc biệt, trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý, có 05 mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý: (1) Nước mắm Phú Quốc, (2) Nước mắm Phan Thiết, (3) Mắm tôm Hậu Lộc, (4) Sò Quảng Ninh, (5) Mực Hạ Long.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác