Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với tỉnh Quảng Ninh về thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao (03-12-2020)

Ngày 02/12, tại Quảng Ninh, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về tình hình sản xuất nông nghiệp, việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), chỉ đạo của Trung ương về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với tỉnh Quảng Ninh về thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao

Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y…Về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ban ngành, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản, đại diện các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến và Đồng chí Bùi Văn Khắng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Đồng chí Bùi Văn Khắng đã báo cáo về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới của tỉnh.

Năm 2020, mặc dù gặp phải không ít khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid- 19 và đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, song tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Giá trị tổng sản phẩm GRDP theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 6.586 tỷ đồng. Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng đạt 3,8%, cao hơn 0,6% so với kịch bản đề ra đầu năm. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, gắn chặt với nhu cầu thị trường.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh, sản lượng lương thực năm 2020 trên địa bàn tỉnh ước đạt 227.128 tấn, bằng 101,3% kế hoạch. Cơ cấu cây trồng chuyển dần từ các cây truyền thống sang các loại cây có giá trị kinh tế lớn; sử dụng giống chất lượng cao và tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”. Chăn nuôi phát triển ổn định theo hướng trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín nên tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 146.510 tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Trồng rừng tập trung ước đạt 11.020 ha. Khai thác gỗ đạt 388 nghìn tấn. Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 55%, cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước.

Ông Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, thời gian qua tỉnh đã chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật và thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; hình thành các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chương trình OCOP tiếp tục được triển khai rộng khắp đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo việc làm, thu nhập ổn định, giúp người dân thoát nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu.

Về việc triển khai các khuyến nghị EC và chỉ đạo của Trung ương về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, thẩm định, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và ký cam kết về an toàn thực phẩm cho tàu cá; hỗ trợ ngư dân thực hiện ghi chép nhật ký khai thác; kiểm soát chặt chẽ tàu cá, không để khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản...Bên cạnh đó, việc phát triển nuôi thủy sản theo hướng tập trung khép kín chuỗi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là một trọng tâm lớn của tỉnh thời gian tới. Hình thành vùng sản xuất lớn, đáp ứng được truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị gia tăng và định hướng xuất khẩu. Trong đó, nuôi biển là một trong trụ cột chính trong hướng phát triển mới. 

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhấn mạnh thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn là một trong những địa phương tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động thu hút, kêu gọi các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực kinh tế xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, đặc biệt, là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có những hướng đi mới đầy tiềm năng.

Phân tích về tiềm năng của tỉnh Quảng Ninh, thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tỉnh Quảng Ninh hội tụ đủ các tiềm năng lợi thế cho phát triển nông nghiệp trong đó có lĩnh vực thủy sản, đây là nơi có thể xây dựng thành công chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản trong đó có tôm, vì tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng cả trong và ngoài nước, có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, khách du lịch nội địa và quốc tế đến với tỉnh Quảng Ninh rất lớn. Hiện nguồn cung về sản phẩm thủy sản chưa đủ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, nhất là trong những dịp mùa du lịch. Chính vì vậy, Thứ trưởng khẳng định dư địa phát triển nông nghiệp nói chung và ngành nuôi trồng thủy sản nói riêng của Quảng Ninh vẫn còn rất lớn. Trong thời gian tới, để phát huy tiềm năng lợi thế so sánh, tỉnh Quảng Ninh cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung xây dựng chuỗi giá trị, quy mô lớn, theo chuỗi liên kết hàng hóa; tập trung tái đàn, tăng đàn lợn trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh; tập trung cải tạo cơ cấu giống và tăng cường sử dụng giống chất lượng cao; quản lý chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản; đồng thời, khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Quảng Ninh cần tiếp tục nghiên cứu các khuyến nghị của EC cùng các văn bản chỉ đạo của Trung ương nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các mặt công tác. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Quảng Ninh phải tập trung phát triển ngành công nghiệp nuôi biển theo hướng hiện đại; chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường biển; đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để đề xuất với Trung ương. Bộ Nông nghiệp&PTNT sẽ tham mưu cho Chính Phủ lựa chọn Quảng Ninh để phát triển ngành công nghiệp nuôi biển hiện đại.

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến khảo sát và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa phương đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp như Tập đoàn Việt – Úc, Tập đoàn TH Truemilk, Tập đoàn BIM Group,…trong thời gian qua và tiếp tục thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển, chế biến thủy sản, chăn nuôi,…trong thời gian tới.

Tại đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã khảo sát Dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh và dự án đầu tư xây dựng hà tầng phục vụ nuôi biển, âu thuyền tránh trú bão tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà. Đây là Dự án đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành thủy sản của Quảng Ninh nói chung, huyện Đầm Hà nói riêng theo hướng hiện đại tiến tới sản xuất chuỗi khép kín từ con giống, nuôi công nghệ cao thương phẩm và chế biến phục vụ xuất khẩu. Khu phức hợp không những cung cấp nguồn tôm giống chất lượng cao cho địa bàn tỉnh Quảng Ninh mà còn của cả khu vực các tỉnh phía Bắc với công suất dự kiến 8tỷ con tôm giống/năm.

Tại đây, Thứ trưởng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh, các đại phương cần quản lý có hiệu quả việc phát triển nuôi tôm theo quy hoạch, kế hoạch; hạn chế tối đa hiện tượng tự phát, phát triển nóng ảnh hưởng đến môi trường, thiếu bền vững. Tập trung hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thủy sản, định hướng phát triển nuôi biển tập trung quy mô lớn. Các doanh nghiệp cần sản xuất theo hướng chuỗi khép kín, từ con giống đến chế biến nâng cao giá trị xuất khẩu.

Tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc điều hành, Tập đoàn Việt – Úc cho biết: Công nghệ sản xuất tôm giống của Tập đoàn hiện nay là công nghệ tiên tiến, hàng đầu thế giới, trong đó công nghệ chọn lọc tôm bố mẹ có vai trò cực kỳ quan trọng, Tập đoàn đang sản xuất, chọn lọc tôm bố mẹ thế hệ thứ 9 của Tập đoàn Việt – Úc đã nghiên cứu được gần 10 năm nay. Công nghệ xử lý nước trong sản xuất tôm giống của Tập đoàn được áp dụng xử lý bằng bồn lọc than, bồn lọc cát qua hệ thống khử trùng tuyệt đối sau đó được trữ lại và qua hệ thống nâng nhiệt để đảm bảo duy trì nhiệt độ ổn định. Công nghệ ươm giống sử dụng công nghệ vi sinh với bí quyết sử dụng những loại vi sinh tăng sức bền cho con tôm, có sức chống chịu tốt, thích nghi với môi trường; sử dụng công nghệ sinh khối tảo, phối trộn những loài tảo phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của con tôm giống. Vì vậy, tôm giống của Tập đoàn luôn đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Tuy nhiên, Ông Thắng cho biết theo định hướng của Tập đoàn sẽ mở rộng đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất giống đến chế biến xuất khẩu tôm, tuy nhiên, hiện nay Tập đoàn còn vướng mắc một số thủ tục liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật Công nghệ cao,..Chính vì vậy, Ông Thắng rất mong các cấp từ Trung ương đến địa phương xem xét tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà Trần Việt Dũng cho biết: Ngoài Tập đoàn Việt - Úc, Tập đoàn BIM Group đến nay, huyện đã thu hút được một số dự án quy mô lớn về nuôi thủy sản như: Dự án Trung tâm ương giống và nuôi thủy sản công nghiệp Đầm Hà, vốn đầu tư 200 tỷ đồng; đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại huyện Đầm Hà, vốn đầu tư 829 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển tại vụng Thoi Dây, xã Tân Lập, vốn đầu tư 68 tỷ đồng; dự án nuôi tôm công nghệ cao GFS tại xã Tân Lập của Công ty cổ phần quan hệ Quốc tế Đầu tư sản xuất với vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Mục tiêu của huyện là trở thành trung tâm sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung lớn của tỉnh. Cùng với đó, phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện và vận hành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Tỉnh cũng xác định, xây dựng và phát triển thương hiệu tôm Quảng Ninh phải theo chuỗi, chiều sâu trên cơ sở quản lý có hiệu quả việc phát triển nuôi tôm theo quy hoạch, kế hoạch; hạn chế tối đa hiện tượng tự phát, phát triển nóng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác