Khẩn trương triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất cho các tỉnh Miền Trung (27-11-2020)

Sáng nay ngày 27/11, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai”.
Khẩn trương triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất cho các tỉnh Miền Trung

Tham dự có các đại biểu đến từ các Bộ, ngành và lãnh đạo UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi; các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân và các phóng viên báo chí đến đưa tin về Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 2 tháng (từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11), bão, lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung. Thiên tai đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, trong đó lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị tổn thương nghiêm trọng (với 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu, 139.565 ha rừng, 12.672 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 con gia súc, 3.214.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi) 165 km đê biển, cửa sông bị sự cố; 45,9 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km). Thiệt hại kinh tế ước tính trên 30.000 tỷ đồng.

Nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề, có nhiều nơi bị mất trắng hoàn toàn, nuôi lồng bè, tàu thuyền bị hư hỏng do bão cũng như ngừng trệ hoạt động sản xuất suốt thời gian dài. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, sơ bộ ban đầu của các địa phương, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hạilà 12.672ha/27.660 ha(chiếm 45,8% diện tích đang nuôi), 828 ô, lồng (ước khoảng 49.740m3 lồng nuôi),88 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại, trong đó số tàu bị chìm là 69 tàu,giá trị thiệt hại khoảng 1.151 tỷ đồng.

Sau thiên tai, Chính phủ đã xuất cấp 15.804 tấn gạo; Bộ Nông nghiệp&PTNT đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

 Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại, để giúp người dân 4 tỉnh trên từ nguồn xã hội hóa. Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh miền Trung; Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Bộ Nông nghiệp&PTNT đã kêu gọi các tổ chức quốc tế và một số quốc gia (Hoa Kỳ, Hàn Quốc...) hỗ trợ tiền và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD (tương đương với 500 tỷ đồng).

 Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất và giải pháp tập trung vào các nội dung: Thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, hạ tầng nông thôn…; quy hoạch lại sản xuất phù hợp với điều kiện vùng lũ, nguy cơ sạt lở cao; chuyển đổi đất, cây trồng, thời vụ; xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; xử lý môi trường sau thiên tai; đầu tư hạ tầng sản xuất…

Các đại biểu cho rằng, cùng với các giải pháp ứng phó, hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh miền Trung đã triển khai, thời gian tới, thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, hạ tầng nông thôn... sẽ là những yêu cầu cấp thiết, nhất là từ nay đến tết Nguyên đán. Trên hết phải không để người dân bị thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt. Tạo mọi nguồn lực để người dân sớm ổn định sản xuất, trong đó tập trung cho sản xuất những sản phẩm cần thiết phục vụ kịp thời ngay trước và trong dịp tết Nguyên đán.

Đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra các dịch bệnh trong chăn nuôi, thủy sản, trong đó cần tập trung cho khử trùng và xử lí môi trường chăn nuôi...

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tiếp tục thống kê đầy đủ thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản của các tỉnh miền Trung để đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.

Tổ chức tốt công tác quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản để kịp thời khuyến cáo người dân về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, đảm bảo khôi phục sản xuất sớm nhất có thể. Kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ người nuôi về con giống, thức ăn, hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có chất lượng tốt nhất để khôi phục sản xuất.

Các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục hỗ trợ đàn cá bố mẹ cho Trung tâm giống của các Tỉnh để nhanh chóng khôi phục đàn thuỷ sản bố mẹ. Tập huấn, hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị ao đầm, lồng bè nuôi, sẵn sàng thả giống khi điều kiện cho phép.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh miền Trung trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả của thiên tai.

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương tập trung rà soát, thống kê đầy đủ thiệt hại, hỗ trợ người dân theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ giống, thức ăn, hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường để khôi phục sản xuất; các viện nghiên cứu của bộ tiếp tục hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật để nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Về giải pháp thời gian tới, Ông Cường cho biết, Bộ Nông nghiệp&PTNT sẽ rà soát đánh giá, phân loại các diện tích trồng trọt nguy cơ cao bị ảnh hưởng do thiên tai, có biện pháp chuyển đổi cơ cấu phù hợp; tiến hành phân vùng trọng điểm rủi ro, thiên tai trong lĩnh vực lâm nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn rừng có khả năng phòng hộ tốt, có sức chống chịu với bão, lũ, mưa lớn; quy hoạch lại vùng nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai; nghiên cứu, lựa chọn vị trí các trang trại chăn nuôi tập trung, kết cấu bảo đảm an toàn trước thiên tai; đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn; bố trí nguồn vốn vay ODA để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai; đầu tư nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và hạ tầng phục vụ sản xuất bền vững. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp&PTNT, theo chức năng nhiệm vụ, cần phối hợp, hướng dẫn cụ thể các địa phương trong quá trình thực hiện, bảo đảm phục hồi sản xuất nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn. 

Ban hành Nghị quyết của Chính phủ về công tác khắc phục hậu quả thiên tai để giải quyết một số vấn đề trước mắt cũng như lâu dài đã bộc lộ sau đợt thiên tai vừa qua.

Bổ sung nguồn lực đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, đáp ứng quy định về điều kiện nuôi trồng thuỷ sản và phòng chống thiên tai. Đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo an toàn, đủ công suất tránh trú bão cho tàu cá; hạ tầng hệ thống giám sát, thông tin tàu cá.

Chỉ đạo các Ngân hàng có cơ chế chính sách về vay vốn ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho người dân bị thiệt hại để có thể sớm khôi phục sản xuất.

Xem xét xây dựng chính sách dự trữ đối với giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và cấp phát cho người dân nuôi trồng thủy sản khi bị thiệt hại trên 70% do thiên tai.

Sớm hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh để khắc phục cấp bách cơ sở bị thiệt hại, nhất là các công trình đê điều, thủy lợi, chống sạt lở bờ biển (Ban Chỉ đạo TRung ương về PCTT đã có Tờ trình số 175/TTr-TWPCTT ngày 05/11/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ).

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác