Khơi thông 6 nguồn lực, phát triển bền vững công nghiệp nuôi biển Việt Nam (26-11-2020)

Nhiệm kỳ II (2020-2025) được Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam xác định là giai đoạn bản lề rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng ngành Nuôi biển công nghiệp Việt Nam. Vì vậy, Hiệp hội sẽ tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức KHCN, các chuyên gia, ngư dân chuyên nghiệp, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác trong nước và quốc tế, xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực thực hiện các chương trình hành động cụ thể với mức ưu tiên cao.
Khơi thông 6 nguồn lực, phát triển bền vững công nghiệp nuôi biển Việt Nam

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã nhận định, để phát triển bền vững công nghiệp nuôi biển Việt Nam, trong 5 năm trước mắt, cần tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ các ách tắc để huy động tối đa 6 nguồn lực cơ bản: (1) Nguồn lực chính sách; (2) Nguồn lực vốn và tín dụng phát triển; (3) Nguồn lực khoa học công nghệ; (4) Nguồn nhân lực chất lượng cao; (5) Nguồn lực liên kết toàn chuỗi giá trị nuôi biển; (6) Nguồn lực  tích hợp với các ngành kinh tế biển khác và an ninh quốc phòng. Để khơi thông 6 nguồn lực này, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã chủ trương xây dựng và tập trung thực hiện 6 chương trình trọng điểm tương ứng.

Vận động chính sách

Hiệp hội sẽ tiếp tục chủ động kiến nghị với Nhà nước tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách liên quan tới phát triển nuôi biển, nhất là việc sớm ban hành các Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 51/2014/NĐ-CP về quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên biển và Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Tích cực tham gia xây dựng Đề án “Phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045” và triển khai thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành; chủ động tham gia và tham vấn cho các cơ quan được Chính phủ phân công xây dựng các văn bản chính sách liên quan đến phát triển nuôi biển.

 

Phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các cơ quan Chính phủ trong việc tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Kinh tế Biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045; tăng cường kết nối với các ngành kinh tế biển khác (như dầu khí, đóng tàu, năng lượng biển, vận tải biển, du lịch...) và các lực lượng quốc phòng, an ninh để phát triển nuôi biển công nghiệp, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi, để doanh nghiệp và người nuôi tiếp cận nguồn vốn dài hạn, lãi suất thấp, để phát triển cơ sở nuôi biển công nghiệp; tham gia tư vấn cho Nhà nước và các địa phương về quy hoạch, kế hoạch phát triển, phòng ngừa, bảo hiểm và quản trị rủi ro; Vận động Bộ Nông nghiệp & PTNT đề xuất với Chính phủ xây dựng “Chương trình Khoa học công nghệ Quốc gia về Phát triển nuôi biển công nghiệp”.

Tiếp cận các nguồn tín dụng trong và ngoài nước

Hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn tín dụng phát triển nuôi biển công nghiệp; Tư vấn và kiến nghị với Bộ Nông nghiệp & PTNT, Tổng cục Thủy sản và Ủy ban Nhân dân, Sở Nông nghiệp & PTNT các địa phương trong việc xây dựng quy hoạch phát triển, giải quyết áp dụng cơ chế, chính sách tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và ngư dân phát triển nuôi biển công nghiệp. Tư vấn hội viên vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển sẽ được ban hành trong Nghị định thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP vào trại nuôi biển của mình. Bên cạnh đó, chủ động tìm kiếm, phối hợp với các nguồn tín dụng trong nước và các ngân hàng thương mại để xây dựng các chương trình tín dụng phát triển các trại giống, trại nuôi biển, các cơ sở chế tạo thiết bị, phương tiện phục vụ nuôi biển công nghiệp. Chủ động tìm kiếm, phối hợp với các nguồn tín dụng phát triển nước ngoài, như Quỹ Xuất khẩu Thủy sản Na Uy, Quỹ Aqua-Spark (Hà Lan), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…

Tiếp cận công nghệ mới

Hiệp hội sẽ hỗ trợ hội viên tiếp cận các công nghệ mới, xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tiên tiến cho các nhóm sản phẩm chủ lực. Tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng các mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, bao gồm 07 nhóm sản phẩm sau: (1) Đối với các cơ sở giống hải sản: Cơ sở giống ứng dụng công nghệ RAS tiên tiến; Chuyển đổi các trung tâm và viện nghiên cứu thành đơn vị tự chủ, làm đầu tàu công nghệ gen, nuôi cấy mô, lưu giữ, lai tạo và phát triển giống mới; Kết nối với các trung tâm giống hải sản nước ngoài trong việc cung cấp nguồn gen hải sản; Áp dụng, đánh giá và chứng nhận các trại sản xuất giống theo các tiêu chuẩn quốc tế. (2)  Đối với cá biển: Cơ sở nuôi cá biển sử dụng lồng nổi HDPE cải tiến, đường kính 20-30m, có khả năng tự chìm, có xà lan cung cấp thức ăn, quy mô sản lượng 300-600 tấn cá/năm; Cơ sở nuôi cá biển khơi, sử dụng tàu ương giống nuôi biển cỡ lớn bằng thép, kết hợp với hệ thống các lồng nổi HDPE, có sản lượng 1000-1500 tấn/năm; Cơ sở nuôi cá biển sâu giá trị cao, các lồng chìm sử dụng lưới kim loại và vật liệu thân thiện môi trường; Cơ sở nuôi cá biển sinh thái, sử dụng thức ăn sinh thái từ bột ấu trùng ruồi lính đen, đậu nành hoặc vi tảo; Đề án phát triển nuôi cá chình thương phẩm và thả cá chình trưởng thành về biển để tái tạo nguồn giống.

(3) Đối với nhuyễn thể hai mảnh vỏ: Cơ sở nuôi hàu Thái Bình Dương, vẹm xanh, ngao hai cồi… sử dụng phao nổi là ống nhựa HDPE, cơ giới hóa khâu thu hoạch bằng tàu chuyên dụng; Cơ sở nuôi ngao trong ao kiểm soát nguồn nước, có hệ thống sản xuất vi tảo để cung cấp thức ăn; Cơ sở vỗ béo và làm sạnh ngao, sử dụng vi tảo. (4) Đối với giáp xác biển: Cơ sở ương giống tôm hùm, tôm tít, tôm mũ ni sử dụng công nghệ RAS; Cơ sở nuôi tôm hùm thương phẩm kết hợp giữa công nghệ RAS và nuôi biển hở; Liên doanh sản xuất giống tôm hùm, tôm tít, tôm mũ ni. (5) Đối với rong tảo biển: Cơ sở trồng rong biển quy mô công nghiệp, áp dụng các công nghệ mới; Cơ sở lưu giữ giống gốc, cải tạo rong giống, sản xuất giống rong biển bằng công nghệ nuôi cấy mô; Nhà máy chế biến rong biển; Xí nghiệp chiết suất các hợp chất và tinh chất tự nhiên cao cấp từ rong biển; Nhà máy sản xuất phân hữu cơ cao cấp từ bã rong biển… (6) Đối với vi tảo: Ương nuôi vi tảo quy mô nhỏ ở trại giống hải sản; Ứng dụng vi tảo tươi để vỗ béo và thanh lọc nhuyễn thể trong các vùng nước kiểm soát; Tư vấn xây dựng các nhà máy vi tảo quy mô công nghiệp phục vụ nuôi biển và dân sinh. (7) Đối với các động vật đáy và đặc sản biển: Cơ sở hoặc vùng nuôi sam biển chuyên canh; Cơ sở nuôi cầu gai đen kết hợp các loài hải sản khác; Cơ sở nuôi hải sâm kết hợp ốc hương; các mô hình theo tiếp cận IMTA để tận dụng triệt để chuỗi thức ăn và giảm tải chất thải sinh học lên môi trường…

Đào tạo nguồn nhân lực nuôi biển công nghiệp

Phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tiến hành thực hiện Dự án về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nuôi trồng thủy sản do Hiệp hội Giới chủ Na Uy (NHO) tài trợ, trên cơ sở Thỏa thuận Hợp tác về nâng cao chất lượng đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề và các địa phương, tổ chức việc triển khai thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, cấp chứng chỉ hành nghề nuôi biển công nghiệp hoặc bằng cấp cho ngư dân và công nhân đã qua đào tạo. Phối hợp với Global GAP, GAA, ASC và các tổ chức quốc tế khác đào tạo hội viên về áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và đạt các chứng nhận quốc tế theo yêu cầu của thị trường.

Phát huy nguồn lực trong chuỗi giá trị nuôi biển

Xây dựng và phát triển Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nuôi biển công nghiệp gồm một số hội viên cốt lõi của Hiệp hội, đảm nhiệm tư vấn, xúc tiến, cung ứng các đầu vào (lồng bè, hệ thống nuôi, giống thủy sản, thức ăn chăn nuôi…); Tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở nuôi biển theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích, thực hiện mô hình mới cho chuỗi liên kết giữa các hội viên. Nghiên cứu để xây dựng Đề án tiến tới hình thành “Tập đoàn Nuôi biển Việt Nam”, tập hợp các công ty thành viên và cổ đông chiến lược của Hiệp hội làm xương sống của chuỗi cung ứng, huy động các nguồn tín dụng lớn để đầu tư thiết bị công nghệ xây dựng các trại nuôi biển, và tổ chức tiêu thụ sản phẩm đầu ra với các đối tác lớn, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho hải sản nuôi Việt Nam. Kết hợp với đối tác thiết lập “Sàn Thương mại Điện tử Thủy sản” để bày bán các sản phẩm nuôi biển.

Huy động nguồn lực tích hợp đa ngành

Phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia xây dựng và từng bước thực thi Đề án cải tạo các dàn khoan dầu khí đã cạn thành trung tâm nuôi biển khơi kết hợp du lịch. Trước mắt sớm trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cho phép thí điểm cải tạo Tổ hợp dàn khoan Sông Đốc thành Trung tâm dịch vụ nuôi biển kết hợp du lịch biển đảo. Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các doanh nghiệp năng lượng gió nuôi nhuyễn thể và trồng rong biển tại các cánh đồng điện gió ngoài biển. Phối hợp với các công ty du lịch xây dựng mô hình đa dạng các trại nuôi biển hiện đại kết hợp du lịch biển tại những vùng có tiềm năng và điều kiện; xây dựng Đề án phát triển chiến lược du lịch tuyến đảo và biển khơi kết hợp nuôi biển công nghiệp. Phối hợp với Trung tâm Invest Global, Liên danh Doanh nghiệp Phát triển Bãi bồi và UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng Đề án Khu nuôi biển công nghệ cao Kim Sơn và Vùng nuôi hải sản nước lợ kết hợp du lịch sinh thái bảo vệ rừng ngập mặn ở Ninh Bình.

Phối hợp với Phòng Kinh tế Bộ Tư lệnh Hải quân xây dựng trại nuôi biển chung quanh các dàn nổi DK và thành lập các mô hình thí điểm trại nuôi biển khơi sử dụng các tàu ương giống lớn cá biển NB-01, phối hợp thiết kế và thử nghiệm mô hình, kết hợp với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng. Phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển và các doanh nghiệp chuyên ngành hình thành và tổ chức đội tàu dịch vụ cho các nuôi biển khơi, dịch vụ thu hoạch, tàu vận chuyển cá sống, tàu sơ chế và làm lạnh hoặc cấp đông cá. Phối hợp với Tập đoàn Viettel và Tổng cục Thủy sản, xây dựng Đề án Số hóa Nuôi biển công nghiệp Việt Nam, tiến hành từng bước việc số hóa các hoạt động quản lý, giám sát, cảnh báo an ninh và bảo vệ cho hệ thống các trại nuôi biển, nhất là nuôi biển xa bờ. Phối hợp với Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam xây dựng và thực hiện các chương trình sản xuất và cung cấp nước sạch cho cư dân ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi rạn san hô và các sinh cảnh biển, chống rác thải nhựa, chống ô nhiễm biển…

Để thực hiện thành công 06 chương trình hành động trên

Trước mắt, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) sẽ thực hiện việc kiện toàn tổ chức Hiệp hội; Thành lập Văn phòng Đại diện tại các địa phương trọng điểm (Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Yên, Tp Hồ Chí Minh, Kiên Giang); Chỉ định Đại diện của Hiệp hội tại các địa phương khác và tại nước ngoài (Mỹ, Thái Lan). Tiếp tục phát triển hội viên là doanh nghiệp nuôi biển, sản xuất thức ăn và vật tư, nguyên liệu, cung ứng trang thiết bị, phục vụ nghề nuôi biển, các tổ chức KHCN và ngư dân nuôi biển chuyên nghiệp; Giảm dần tỷ trọng hội viên cá nhân; Chú trọng phát triển nhanh hội viên ở các tỉnh Miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long. Tăng cường thiết lập mối quan hệ với các địa phương ven biển, tổ chức thực hiện các hoạt động ưu tiên do các hội viên tại địa phương chủ trì và vai trò kết nối của Hiệp hội để hình thành chuỗi giá trị cho từng sản phẩm chủ lực của địa phương.

Đăng ký nhiệm vụ cho Hiệp hội và hội viên tham gia Chương trình KHCN phục vụ phát triển kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới. Phát triển các mối quan hệ hợp tác giữa hội viên là doanh nghiệp với hội viên là các viện nghiên cứu trong nước và đối tác nước ngoài, cùng xây dựng các mô hình nuôi biển tiên tiến, với các công nghệ và thiết bị hiện đại. Tổ chức các hoạt động dạy nghề và cấp giấy chứng nhận hành nghề nuôi biển chuyên nghiệp cho hội viên theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, kiện toàn trang thông tin điện tử www.vuonkhoi.vn thành “Diễn đàn mở” cho cộng đồng nuôi biển; Tìm nguồn tài trợ để dịch ra tiếng Việt các tài liệu kỹ thuật nuôi biển công nghiệp phục vụ cộng đồng nuôi biển. Tăng cường hợp tác, liên kết với các phương tiện truyền thông đại chúng như VTV, VOV, Truyền hình Quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí để quảng bá chủ trương phát triển công nghiệp nuôi biển, tôn vinh hình ảnh của cộng đồng nuôi biển Việt Nam.

Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Hiệp hội sẽ phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Na Uy, Innovation Norway và Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tại Hà Nội xây dựng Chương trình tăng cường hợp tác, liên kết với các đối tác của Na Uy và Đan Mạch nhằm tiếp thu công nghệ, thiết bị và kinh nghiệm nuôi biển tiên tiến. Ký kết Thỏa thuận Đối tác Chiến lược với Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (Global Aquaculture Alliance – GAA) tiến tới tham gia làm thành viên của tổ chức này. Phối hợp với Đại sứ quán và Thương vụ Hoa Kỳ xây dựng Chương trình hợp tác với Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ (NFI), NOAA và các đối tác Mỹ nuôi biển khơi trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đào tạo nhân lực nuôi biển cho Việt Nam. Hợp tác với hiệp hội các nước ASAN để chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm, tiến tới thành lập Liên đoàn Nuôi biển ASEAN (ASEAN Seaculture Federation – ASF). Cộng tác chặt chẽ với các tổ chức nghề cá khu vực (SEAFDEC, NACA, Worldfish Center) trong việc liên kết phát triển nghề nuôi biển ASEAN. Xây dựng quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế như: Global GAP, BV, IDH, DHI, WWF, GIZ, OXFAM, WB…nhằm tìm nguồn lực hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, kết nối thị trường, chia sẻ thông tin, hợp tác KHCN nuôi biển công nghiệp bền vững. Phối hợp với đối tác quốc tế tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, sự kiện, triển lãm thủy sản về nuôi biển; tham gia các diễn đàn với các tổ chức và cá nhân quốc tế thúc đẩy hợp tác, phát triển nuôi biển công nghiệp bền vững. 

Khơi thông 6 nguồn lực, thực hiện thành công 6 chương trình hành động, Ban Chấp hành Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam kêu gọi hội viên tăng cường đoàn kết, phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức hữu quan và đối tác quốc tế, thực hiện thắng lợi Chương trình Hành động Nhiệm kỳ II (2020-2025), chung sức chung lòng xây dựng Hiệp hội ngày càng lớn mạnh, góp phần đưa ngành Nuôi biển công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại, thực hiện thắng lợi Đề án Phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, góp phần thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác