Bàn giải pháp phát triển bền vững nuôi cá nước lạnh trong thời gian tới (09-11-2020)

Sáng nay 08/11/2020, tại thành phố Lào Cai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với hai tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng và Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức “Hội nghị Tổng kết 15 năm phát triển cá nước lạnh và định hướng giai đoạn 2021-2030”.
Bàn giải pháp phát triển bền vững nuôi cá nước lạnh trong thời gian tới

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh vùng núi phía Bắc, Hội Nghề cá Việt Nam, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh phía Bắc, các Hội, Hiệp hội nuôi cá nước lạnh, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản cùng các phóng viên báo đài dự và đưa tin Hội nghị.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Phạm S, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị còn có ông Nguyễn Việt Thắng Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam và ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

Cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) đã được phát triển nuôi tại Việt Nam từ khoảng năm 2002 với hàng loạt dự án nhập công nghệ, đề tài nghiên cứu về sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá tầm, cá hồi. Một số mô hình nuôi cá nước lạnh đã được triển khai và phát triển nhanh. Đến nay, phong trào nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh tại 25 tỉnh/thành phố trên cả nước, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu...và đã được nhiều quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đánh giá cao. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã xem đây là đối tượng có tiềm năng phát triển trong giai đoạn tới.

Với những nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Hiện nay, cá nước lạnh đã được nhiều địa phương xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng, góp phần vào khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh. Việc phát triển trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức. Ngoài tận dụng tốt diện tích mặt nước vốn không thích hợp để nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt truyền thống, việc phát triển nuôi cá nước lạnh ở các vùng cao đã góp phần tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.

Tuy nhiên, cho đến nay phát triển sản xuất cá nước lạnh tại Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát, nghề nuôi cá nước lạnh vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng. Việt Nam chưa chủ động được về con giống và thức ăn, còn phải nhập từ nước ngoài nên giá thành cao và không ổn định. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là sản phẩm tươi sống; họat động chế biến, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chưa thực hiện tốt. Công nghệ nuôi, sản xuất giống, chủ động trong phòng chống dịch bệnh còn yếu.

Các loài cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm… là đối tượng nuôi thủy sản có giá trị rất cao, nhất là trứng cá tầm (Caviar) rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Từ năm 2004, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã hợp tác với Phần Lan đã đưa trứng cá tầm thụ tinh về nuôi thử nghiệm thành công tại huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai. Lào Cai là địa phương đầu tiên tiếp nhận và nuôi thành công cá tầm tại Việt Nam.

Đến năm 2006, phong trào nuôi cá nước lạnh bắt đầu phát triển nuôi cá nước lạnh tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên, tại các hồ như: Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Đến này các tỉnh Tây Nguyên đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh nhất, nơi tập trung nhiều Doanh nghiệp có quy mô lớn. Năm 2020, sản lượng nuôi cá nước lạnh tại các tỉnh Tây Nguyên ước đạt trên 2.000 tấn, trong đó tập trung chủ yếu tại Lâm Đồng.

Ngoài các đối tượng cá nước lạnh được nuôi tại Việt Nam từ những năm 2005 như: cá tầm Xibêri (Acipenser baerii), cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis), cá tầm lai (lai giữa 2 loài Acipenser ruthenus và Huso huso), cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận kết quả khảo nghiệm và bổ sung một số đối tượng có giá trị kinh tế vào Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam như cá mú Úc (Maccullochella peelii peelii), cá trắng (Coregonus lavaretus) góp phần đa dạng đối tượng nuôi nước lạnh.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng cá nuôi nhiều nhất tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu... Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2007, sau thời gian hai năm đưa về nuôi tại Việt Nam, sản lượng là 95 tấn; năm 2010 là 450 tấn; năm 2015 là 1.585 tấn và đến năm 2020 ước đạt 3.720 tấn. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007-2020 trung bình 68,75%/năm.

Năm 2020, sản lượng trứng cá tầm đã qua chế biến (caviar) của cả nước ước đạt 3.000 kg. Vùng nuôi cá tầm lấy trứng và chế biến caviar tập trung chủ yếu tại tỉnh Lâm Đồng. Trên địa bàn tỉnh các cơ sở vừa đầu tư nuôi thương phẩm, vừa phát triển một số giống cá tầm để chế biến dòng sản phẩm caviar. Từ năm 2015, một số cơ sở tại Lâm Đồng đã đầu tư dây truyền công nghệ chế biến trứng cá tầm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Từ 2017 đến nay, sản lượng trứng cá tầm do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sản xuất liên tục tăng. Trong năm 2017 sản lượng là 1.000 kg; năm 2018 là 1.200 kg; năm 2019 là 1.500 kg; năm 2020 ước đạt 2.000 kg. Công nghệ chế biến caviar đóng hộp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

Nhu cầu con giống ngày càng tăng

Trong thời gian gần đây việc phát triển mạnh của nghề nuôi cá nước lạnh, nhu cầu con giống ngày càng tăng, năm 2020 nhu cầu khoảng 5 triệu con giống (cá tầm 4 triệu con; cá hồi 1 triệu con). Trong nước sản xuất được khoảng 4 triệu con, đáp ứng được 80% nhu cầu. Tuy nhiên các cơ sở chủ yếu nhập trứng cá đã thụ tinh để ương dưỡng thành cá giống. Hiện tỉnh Lâm Đồng và Lào Cai là hai địa phương cung cấp con giống nhiều nhất. Lâm Đồng sản xuất được 1,3 con/năm, Lào Cai sản xuất được khoảng 2,0 triệu con/năm.

Hiện tại có hai hình thức sản xuất, ương ưỡng con giống đó là nhập trứng cá đã thụ tinh từ các nước về để tiếp tục ấp, sau đó ương lên thành cá hương, cá giống và cung cấp cho các cơ sở nuôi thương phẩm hoặc nhập trực tiếp cá hương về để ương lên  thành con giống với các kích thước khác nhau để cung cấp cho thị trường.

Để giảm phụ thuộc và nguồn con giống nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 3 thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá tầm” triển khai từ năm 2018-2019. Dự án cho kết quả tốt, qua đó đã kép kín được quy trình sản xuất giống nhân tạo 03 loài cá tầm (cá tầm Nga, cá tầm Xi-bê-ri và cá tầm Stertet) bước đầu cho kết quả tốt.

Trong khi đó, để hạ giá thành và tiến tới khép kín chuỗi liên kết trong phát triển nuôi cá tầm và cá hồi, hiện tại thức ăn đã được các doanh nghiệp sản xuất trong nước và đã cung cấp được khoảng 90% cho cá tầm và 50% cho cá hồi. Thức ăn sản xuất trong nước có giá bán từ 32.000-35.000 đồng/kg, thức ăn nhập khẩu từ 38.000-41.000 đồng/kg.

Hiện nay, sản phẩm cá nước lạnh của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ là cá tươi sống hoặc cấp đông mà chưa qua các chế biến. Một số ít doanh nghiệp xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và xuất khẩu trứng cá tầm và các sản phẩm thịt cá. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá hồi, cá tầm nuôi trong nước chủ yếu vẫn tập trung tại các thành phố lớn, các thành phố phát triển du lịch như Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh,...

Mục tiêu đến năm 2030

Sản lượng cá nước lạnh nuôi đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước và một số sản phẩm cá nước lạnh được xuất khẩu. Sản phẩm trứng cá nước lạnh đạt từ 5.000 kg đến 10.000 kg/năm, giá trị sản phẩm xuất khẩu đạt khoảng 20-25 triệu USD.

Sản xuất được 100% nhu cầu giống đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm. 100% nhu cầu thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi cá nước lạnh được sản xuất trong nước.

Giải pháp phát triển trong thời gian tới

Từ những kết quả đạt được và những tồn tại đối với ngành nuôi cá nước lạnh của Việt Nam, tại Hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến việc xác định cụ thể quy hoạch các vùng nuôi tập trung, làm chủ công nghệ trong sản xuất giống, thức ăn; khép kín chuỗi giá trị, các định hướng về thị trường, đối tượng nuôi đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Các đại biểu cho rằng, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017 đã bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch đối tượng, trong đó có Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Việc bãi bỏ quy hoạch phần nào gây khó khăn cho các địa phương trong quản lý sản xuất; các doanh nghiệp khó khăn trong hoạch định, xây dựng kế hoạch phát triển cá nước lạnh một cách bền vững.

Mặc dù, Chính phủ, các Bộ ban ngành trong thời gian gần đây đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành thuỷ sản trong đó có cá nước lạnh như Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP …). Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất cá nước lạnh chưa được hưởng các chính sách ưu đãi từ các chính sách trên.

Theo các đại biểu tham dự, trong giai đoạn tới, để quy hoạch mang tính khả thi, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn việt nam đối với các đối tượng cá nước lạnh nhằm kiểm soát tốt các đổi tượng nuôi này.

Đối với việc nuôi cá nước lạnh, mang nhiều rủi ro, đặc biệt, một trong những  rũi ro hiện nay liên quan đến biến đổi khí hậu làm xuất hiện các trận lũ quét, lũ ống. Bên cạnh đó, suất đầu tư trong nuôi cá tầm và cá hồi rất cao, chính vì vậy, cần có những giải pháp khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phù hợp. Cần xem xét việc đầu tư sản xuất cá nước lạnh sẽ hỗ trợ cho việc phát triển các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch, mang ý nghĩa lớn đối với vùng dân tộc thiểu số trong sử dụng lao động, thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Tại Hội nghị, Tiến sỹ Lê Thanh Lựu, Giám đốc Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) đã chỉ ra 5 thách thức đối với ngành nuôi cá nước lạnh của nước ta đã đang và sẽ gặp phải trong thời gian tới đó là: Thách thức về biến đổi khí hậu và vấn đề đổi mới công nghệ; Thách thức về kiểm soát môi trường nuôi; Thách thức về chất lượng con giống; Thách thức về cạnh tranh với Trung Quốc trong tiêu thụ sản phẩm; Thách thức về vấn đề chưa có các biện pháp quản lý chặt chẽ và chưa thiết lập được hệ thống thu thập số liệu thông tin. Đây là những thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của ngành nuôi cá nước lạnh. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, trong đó có tăng nhiệt độ nước, các hiện tượng thời tiết cực đoan là một xu thế hiển nhiên và là thách thức lớn đối với nghề nuôi cá nước lạnh

Tiến sỹ Lê Thanh Lưu đã chỉ ra rằng, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu mà hậu quả là nhiệt độ nước tăng lên (1,5-20C trong 15 năm qua), các hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng, khô hạn kéo dài, tần suất mưa lũ thường xuyên) gây ra những tổn thất vật chất khó lường cho người nuôi cá nước lạnh

Đối với thức thức là cạnh tranh thị trường với Trung Quốc: Hiện nay cá tầm Việt Nam chất lượng cao giá cao đang phải cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc chất lượng thấp, giá thấp. Thực tế, Trung Quốc xuất khẩu (bằng con đường tiểu ngạch) sang Việt Nam cá tầm có giá chỉ bằng 50-75% giá cá tại trang trại của Việt Nam. Đây là thách thức lớn trong trung hạn cần có chiến lược để đối phó với thách thức này.

Tại Hội nghị, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, kiến nghị, trong thời gian tới, Trung ương cần bố trí cho tỉnh nguồn kinh phí công tác sản xuất giống nhân tạo, công nghệ nuôi tiết kiệm nước trong nuôi trồng thủy sản nước lạnh thông qua cá Đề tài, Dự án…Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các cơ sở, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, sản phẩm an toàn. Hội nghề cá Việt Nam tăng cường phối hợp với các Hội, Hiệp hội về công tác phát triển thủy sản nước lạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển nuôi cá nước lạnh tại các địa phương trong thời gian qua. Trong thời gian tới, để đưa ngành nuôi cá nước lạnh nước ta một cách bền vững có hiệu quả, Thứ trưởng cho rằng cần đinh hướng phát triển theo hướng khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng mặt nước, nguồn nước lạnh để phát triển cá nước lạnh tạo sản phẩm có giá trị cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phát triển cá nước lạnh theo hướng công nghiệp dựa trên việc kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ưu tiên đầu tư sản xuất ở những nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng thuận lợi, từng bước mở rộng sản xuất ở các vùng có tiềm năng về nguồn nước lạnh khi có đủ điều kiện.

Áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đa dạng hóa mô hình sản xuất, trong đó doanh nghiệp làm nòng cốt, khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hộ dân.

Thờ gian tới, các cơ quan nghiên cứu, các Viên, trường, nhà khoa học phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp cần hoàn thiện và chuyển giao công nghệ  sản xuất con giống cá nước lạnh để chủ động 100% giống cá trong nước. Áp dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất. Khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Đẩy mạnh việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng sản phẩm cá nước lạnh để chủ động trong sản xuất. Đa dạng hóa các sản phẩm cá nước lạnh (cá thịt, cá trứng, trứng cá, sản phẩm phụ,...) để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất cá nước lạnh, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn mác các sản phẩm cá nước lạnh Việt Nam, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ đáp ứng thị hiếu và lòng tin của người tiêu dùng.

Tổ chức tốt công tác thông tin về thị trường tiêu thụ, biến động giá cả đến các cơ sở sản xuất cá nước lạnh để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với hai tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng và Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt nhằm góp phần chia sẻ, hỗ trợ đồng bào sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác