Thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 (29-10-2020)

Ngày 25 tháng 9 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về Phát triển bền vững nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương từ nay đến năm 2030.
Thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững từ nay đến năm 2030
Ảnh minh họa

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, tạo đà cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Năm 2020 cũng là năm chứng kiến đại dịch COVID-19 và tác động đa diện của nó trên toàn cầu, có nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển, làm tăng rủi ro không hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 ở nhiều nước. Tuy nhiên, đại dịch cũng là cơ hội để Việt Nam suy nghĩ lại về con đường tăng trưởng kinh tế và tầm quan trọng của phát triển bền vững.

Thực hiện cam kết về phát triển bền vững

Thực hiện cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới năm 1992 ở Rio de Janerio, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Định hướng Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) tại Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004. Phát triển bền vững trở thành quan điểm xuyên suốt trong chính sách của Đảng, Nhà nước và đã được lồng ghép trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 và 2016-2020. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012).

Tháng 9 năm 2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu về phát triển bền vững. Nhằm cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017), trong đó đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2019 về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Kết quả phát triển bền vững của Việt Nam

Nhìn lại quá trình thực hiện phát triển bền vững trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực: (1) Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm bình quân 1,53%/năm trong giai đoạn 2016-2019; (2) Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 22,1 năm 2015 xuống 21 năm 2019; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 76,4% năm 2015 lên 90% năm 2019; (3) Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,9% năm 2019; tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học là 99,6% năm 2019; (4) Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (nhiệm kỳ 2016-2021) là 26,7%; (5) Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2018 đạt 95,7%; (6) Hơn 99% các hộ gia đình Việt Nam đã được tiếp cận với điện năm 2018; (7) Tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 65.9% (tương đương khoảng 64 triệu người) năm 2019; (8) Tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2019 đạt ở mức tương đối cao, trung bình khoảng 6,8%/năm, mức tăng năng suất lao động giai đoạn 2016-2018 đạt gần 5,8%; (9) Các vấn đề về quản lý tài nguyên và môi trường cũng đã được cải thiện, độ che phủ rừng tăng, đạt 41,89% năm 2019; (10) Giảm bất bình đẳng trong xã hội, thúc đẩy tiếp cận pháp lý và thông tin ngày càng được cải thiện hơn; mức độ hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng và toàn diện, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.

Mặc dù vậy, quá trình phát triển bền vững của đất nước còn có những khó khăn, thách thức: Mô hình tăng trưởng vẫn chưa rõ nét, năng suất lao động tăng chủ yếu do tăng cường độ vốn, quá trình cơ cấu lại các ngành kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế; Chênh lệch mức sống và mức độ thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân giữa các vùng và giữa các địa phương trong vùng vẫn còn lớn; Khoa học và công nghệ vẫn chưa trở thành động lực cốt lõi của phát triển bền vững, vẫn còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới và ứng dụng công nghệ; Quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng, cơ cấu dân số đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, có sự khác biệt lớn về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền, chất lượng dân số thấp, thể lực chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, bị hạn chế về chiều cao, cân nặng, sức bền; Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp tại một số địa phương, đặc biệt là các vùng có mật độ phát triển công nghiệp cao, tình hình ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn diễn biến phức tạp, xử lý vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập; Biến đổi khí hậu và thiên tai ảnh hưởng rất lớn đến các vùng miền, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, việc triển khai thực hiện phát triển bền vững tại các ngành và các cấp vẫn chưa thực sự nghiêm túc và quyết liệt; Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các bên liên quan chưa thực sự hiệu quả; Nhu cầu tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 là rất lớn nhưng nguồn lực của quốc gia còn hạn chế.

Quan điểm chỉ đạo

Chính phủ ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương từ nay đến năm 2030. Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mỗi người dân. Huy động mọi nguồn lực xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế để phát triển bền vững đất nước.

Tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng biên giới, hải đảo và những đối tượng dễ bị tổn thương khác. Khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia sẽ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững đất nước. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất.

Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 

Mục tiêu chính là: Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, dân chủ, văn minh và bền vững.

Có tổng cộng 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030: (1) Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; (2) Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; (3) Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; (4) Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; (5) Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; (6) Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; (7) Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; (8) Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; (9) Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; (10) Giảm bất bình đẳng trong xã hội;

(11) Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng; (12) Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; (13) Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; (14) Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; (15) Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất; (16) Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp; (17) Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Nghị quyết số 136/NQ-CP về Phát triển bền vững đã liệt kê tất cả các Nhiệm vụ và giải pháp chung; Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu (liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành); Việc phân công chi tiết triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết...

Thông tin chi tiết: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác