Phối hợp trong quản lý phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển (15-10-2020)

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) và Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tổ chức lễ ký quy chế phối hợp công tác nhằm phối hợp triển khai trong một số vấn đề chung giữa hai bên cùng quan tâm.
Phối hợp trong quản lý phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản.

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ông Tạ Đình Thi và ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã chủ trì buỗi lễ.

Nhằm triển khai Chương trình số 02/CTPH-BTNMT-BNN ngày 12 tháng 7 năm 2017 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ giai đoạn 2017-2020. Hai bên đã thảo luận nghiên cứu và đi đến thống nhất ký quy chế phối hợp công tác trong một số vấn đề hai bên cùng quan tâm và quản lý, theo đó, quy chế sẽ tập trung thực hiện 8 nội dung phối hợp chủ yếu như: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu; Tổ chức thực hiện quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo; khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; Cùng nhau thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, hai bên sẽ kết hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trong đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; hoạt động nghiệp vụ; Cùng nhau tổ chức các cuộc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quản lý hoạt động khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trên biển, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tạ Đình Thi cho biết, Tổng cục Biển và Hải đảo và Tổng cục Thủy sản có nhiều lĩnh vực hai bên đều quan tâm, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới, trong đó có công tác xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến quản lý môi trường biển, các khu bảo tồn, đa dạng sinh học, các vấn đề nóng như quản lý rác thải nhựa đại dương, công tác kiểm tra giám sát tài nguyên biển, triển khai các dự án điều tra cơ bản. Đặc biệt, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đơn vị chủ trì xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ cần có sự tham vấn của Tổng cục Thủy sản. Quy hoạch không gian biển quốc gia có mục tiêu là bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa các lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh trên các vùng đất ven biển, vùng trời, vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Cụ thể là khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững không gian biển trên cơ sở tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển. Giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển; góp phần bảo vệ, bảo tồn được các tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, các giá trị tự nhiên - văn hóa - lịch sử và chất lượng môi trường trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam.

Cùng với đó, làm căn cứ, cơ sở pháp lý để của các bộ, ngành và địa phương có biển xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến việc khai thác, sử dụng không gian biển; Góp phần khẳng định chủ quyền. Đây là nhiệm vụ cần trao đổi, cần tham vấn các ý kiến của hai bên để thống nhất trong các định hướng phát triển cũng như công tác quản lý các lĩnh vực mà hai bên đang quản lý.

Ông Thi cũng cho biết, Quy hoạch không gian biển quốc gia lấy bảo tồn biển làm gốc, đây là nhiệm vụ mà Tổng cục Thủy sản đã có nhiều kinh nghiệm trong quản lý cũng là định hướng phát triển bền vững lĩnh vực khai thác thủy sản trong thời gian tới. Do đó, cần chia sẽ kinh nghiệm cũng như tham vấn các ý kiến để hoàn thiện hơn.

Tại buỗi lễ, Ông Trần Đình Luân đã đánh giá cao các đơn vị hai bên đã phối hợp chặt chẽ để thống nhất các nội dung trong quy chế và đi đến ký kết ngày hôm nay. Ông Luân mong muốn thời gian tới hai bên cần hiện thực hóa các nội dung trong quy chế cùng trao đổi chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, là cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các cam kết quốc tế và trong khu vực của Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đây là một trong những nội dung được Tổng cục Thủy sản đặc biệt quan tâm và mang tính sống còn trong phát triển bền vững lĩnh vực thủy sản trong thời gian tới. Ngoài ra, một nội dung quan trọng trong Nghị quyết 36-NQ/TW mà hai bên cần trao đổi trong thời gian tới là mục tiêu quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Hiện nay, Tổng cục Thủy sản được giao thực hiện lập 02 quy hoạch phát triển ngành đó là Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề án nuôi biển là một trong những trụ cột chính trong phát triển lĩnh vực thủy sản trong thời gian tới. Vì vậy, hai bên cần phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới để hoàn thiện các nhiệm vụ được giao.

Đây sẽ là bước tiến mới trong việc kết hợp tổ chức và cung cấp thông tin giữa hai đơn vị quản lý tài nguyên môi trường biển đảo nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển. Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm trên phạm vi toàn quốc; đồng thời quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, Ông Luân cho biết.

Sau buổi lễ hai bên đã tiến hành ký thực hiện nghi thức kết bản quy chế phối hợp công tác.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác