Ngành Nông nghiệp Việt Nam với sản phẩm “Tôm sạch – Lúa thơm” (07-10-2020)

Ngày 05 tháng 10 năm 2020, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn tôm Việt 2020 với chủ đề “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững mô hình tôm-lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Ngành Nông nghiệp Việt Nam với sản phẩm “Tôm sạch – Lúa thơm”

Tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình canh tác tôm-lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa (là vùng bị mặn xâm nhập từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm). Vào mùa mưa, đây là thời vụ trồng lúa vì tận dụng được nguồn nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng. Các tháng còn lại đều bị nước mặn xâm nhập, ruộng lúa lại trở thành vuông tôm với phương thức lấy giống và thức ăn tự nhiên. Luân canh lúa-tôm đã được áp dụng tại các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long hơn 40 năm qua. Đến năm 2019, tổng diện tích mô hình này ước khoảng 170.000 ha, đáng kể nhất là Kiên Giang (64.100 ha), Cà Mau (42.600 ha), Bạc Liêu (36.800 ha), Sóc Trăng (11.500 ha)…

Canh tác tôm-lúa là hình thức nuôi trồng được đánh giá là “mô hình canh tác hiệu quả, đầu tư thấp”. Tôm nuôi trong ruộng sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh, tôm nuôi thương phẩm có chất lượng tốt (do ít dùng hóa chất, kháng sinh), môi trường sinh thái được bảo vệ do lúa sử dụng các chất thải từ vụ tôm và mô hình nuôi trồng phù hợp với điều kiện sinh thái ở các vùng ven biển bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, không thể có khả năng trồng lúa quanh năm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vụ lúa trong mô hình tôm-lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu. Vì vậy, lựa chọn giống chống chịu mặn đi kèm với quy trình canh tác lúa phù hợp được xem như là cách làm kinh tế và có hiệu quả nhất để giúp vùng bị nhiễm mặn nói chung và vùng đất nhiễm mặn tôm-lúa nói riêng thích ứng với sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết.

Thực trạng sản xuất theo mô hình tôm-lúa

Với hình thức canh tác một vụ tôm, một vụ lúa, mô hình tôm-lúa chính là mô hình có tiềm năng lớn trong áp dụng hệ thống chứng nhận hữu cơ, sinh thái, tạo giá trị cao cho cộng đồng. Từ đầu thế kỷ 20, Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến như “vựa lúa, tôm, cá” của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng triệu hộ gia đình nông thôn. Dọc các vùng ven biển, các hệ sinh thái đã được thay đổi cùng với hệ thống các cơ sở hạ tầng kiểm soát nguồn nước lợ và nước ngọt được xây dựng để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp (đặc biệt là sản xuất lúa). Tuy nhiên, từ năm 1986, một diện tích đáng kể đất trồng lúa dựa trên hệ sinh thái nông nghiệp đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản nước lợ.

Ngày 15 tháng 6 năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP về một số chủ trương và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Theo đó, cho phép người  dân chuyển đổi diện tích ruộng lúa nhiễm mặn, diện tích đất hoang hóa và đất làm muối kém hiệu quả ở các vùng ven biển sang nuôi trồng thủy sản. Quá trình biến đổi khí hậu gia tăng khiến mô hình sản xuất tôm-lúa phát triển mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2000, diên tích tôm-lúa là 71.000 ha, đến năm 2014 tăng lên 152.997 ha (chiếm 28% diện tích tôm nước lợ toàn vùng), sản lượng đạt 65.000 tấn (bằng 15% tổng sản lượng tôm nước lợ toàn vùng và 11% tổng sản lượng tôm của cả nước). Đến năm 2018, tổng diện tích nuôi tôm-lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 185.000 ha (chiếm 30,8% tổng diện tích nuôi tôm sú toàn vùng) với sản lượng 85.000 tấn, mang lại sinh kế cho hàng trăm nghìn người và vẫn đang tiếp tục được mở rộng diện tích; Trong đó nhiều nhất là Kiên Giang (trên 83.400 ha), Cà Mau 50.100 ha và Bạc Liêu (gần 33.750 ha) với quá trình phát triển ngày càng mở rộng về quy mô cũng như diện tích.

Tuy nhiên, mô hình tôm-lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn - thách thức như: Quy mô nhỏ lẻ, manh múm; Sản lượng thấp; Chưa có nhiều biện pháp kỹ thuật áp dụng trong mô hình tôm-lúa; Ngày càng bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu (đặc biệt là xâm nhập mặn và biến động thời tiết); Chưa kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào; Chưa có nhiều liên kết tiêu thụ sản phẩm cho cả tôm và lúa; Việc áp dụng các hệ thống chứng nhận bền vững, hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn do tập quán canh tác của người dân còn chưa được cải thiện…

Phát triển mô hình “Tôm sạch – Lúa thơm”

Tại Bạc Liêu, từ năm 2019, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, khả năng tổ chức sản xuất theo mô hình “Tôm sạch – Lúa thơm” phát triển tốt, tỉnh đã chủ trương triển khai Kế hoạch xây dựng thí điểm nhân rộng mô hình sản xuất tôm-lúa liên kết tại một số địa phương. Theo thống kê, tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 70.500 ha. Với đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và môi trường, Bạc Liêu đã sản xuất theo mô hình luân canh tôm sú – lúa, tôm càng xanh xen lúa với diện tích 39.578 ha. Phần diện tích còn lại được bố trí  nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp. Kết quả là, sau hơn 15 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất (từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản) cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình luân canh tôm-lúa khá cao so với các mô hình sản xuất độc canh truyền thống. Song kết quả này chưa thật sự bền vững và không tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, từng hộ dân riêng lẻ có xu hướng sản xuất theo tập quán địa phương dẫn đến sản lượng thấp, chi phí sản xuất cao, giá cả bấp bênh, giá bán thường thấp hơn giá trị thực tế của sản phẩm. Vì vậy, tỉnh rất chú trọng khuyến khích sự đầu tư kinh doanh có trách nhiệm của các công ty liên kết chuỗi tôm-lúa (nhất là theo hướng hữu cơ) tại tỉnh Bạc Liêu.

Cơ hội sản xuất các sản phẩm hữu cơ

Ngày 23 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030; Theo đó phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (trong đó có các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế: tôm nước lợ, tôm càng xanh, thủy sản bản địa...); Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5-3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (trong đó có các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế: tôm nước lợ, tôm càng xanh, thủy sản bản địa...); Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5 -1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Hiện tại, ở Việt Nam có Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú (tỉnh An Giang) là một trong những công ty đã tham gia liên kết chuỗi tôm-lúa (sản xuất theo hướng hữu cơ) từ lâu và đạt được nhiều kết quả tốt, thực hiện bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Theo ông Lâm Thành Kiệt (Giám đốc Công ty), hiện các vùng sản xuất gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng cao của Việt Nam còn nhỏ lẻ, manh mún (nhất là việc sản xuất gạo hữu cơ còn gian nan, nhiều thách thức). Nhưng Việt Nam không thể chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ này vì các đối thủ xuất khẩu gạo của Việt Nam đã và đang có những biến chuyển lớn trong cách thức canh tác cũng như chế biến để nâng cao chất lượng gạo một cách toàn diện. Những năm qua chuỗi liên kết lúa hữu cơ (trong hệ thống tôm-lúa) đã thành công trên nhiều địa bàn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã nhận được Giấy chứng nhận lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Kiệt cho biết, vùng lúa-tôm là nơi có tiềm năng rất lớn để sản xuất các sản phẩm lúa hữu cơ và tôm hữu cơ; Nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp; Góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, liên kết chuỗi tôm-lúa cũng giúp các doanh nghiệp có sản phẩm cuối cùng được kiểm soát theo hướng hữu cơ, an toàn; Vùng nguyên liệu ổn định; Giá cả ổn định; Nông dân được hưởng lợi (nắm chắc thu nhập, yên tâm sản xuất, năng suất càng cao càng thêm lời, không lo giá cả lên xuống); Doanh nghiệp bao tiêu sẽ tham gia hướng dẫn nông dân canh tác hiệu quả, năng suất cao, tiết kiệm chi phí, sản phẩm sạch, an toàn. Ngoài ra, Công ty còn tham gia liên kết tại huyện Hòn Đất, hướng tới vùng lúa-tôm (tại Kiên Giang). Đây hầu hết là những vùng thuộc cơ cấu sản xuất lúa-tôm mà các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong liên kết chuỗi. Cùng với vùng sản xuât lúa hữu cơ sử dụng nước sạch của Hồ Tà Pạ, Công ty hy vọng mở ra một hướng mới khả quan: Sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn sạch và tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, nâng cao giá trị Gạo Việt, đủ sức hội nhập thị trường tự do cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ phát triển nền nông nghiệp hữu cơ của đất nước.

Với mong muốn tập trung thảo luận, chia sẻ các giải pháp, định hướng xây dựng, phát triển sản xuất tôm-lúa theo hướng hữu cơ, bền vững (gắn với điều kiện tự nhiên, sinh thái và mô hình canh tác của vùng), xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị tôm-lúa, nâng cao sản lượng mô hình tôm-lúa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng đến chứng nhận hữu cơ, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn tôm Việt 2020.

Diễn đàn tôm Việt 2020 - Diễn đàn thường niên lần thứ 5

Diễn đàn tôm Việt được tổ chức hàng năm, là sáng kiến của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) trong khuôn khổ triển khai Dự án “Phát triển Chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam – SusV” và Dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại Đông Nam Á – Graisea” nhằm mục đích tạo ra một Diễn đàn giúp gắn kết người nuôi với các bên tham gia trong chuỗi giá trị tôm Việt Nam và các chuyên gia hàng đầu trong ngành, chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại, định hướng phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao giá trị, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt.

Trong những năm vừa qua, Diễn đàn tôm Việt đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các tổ chức/cá nhân trong và ngoài nước, trở thành sự kiện hội nghị thường niên và lớn nhất của ngành tôm Việt Nam. Các vấn đề lớn của ngành tôm về kinh nghiệm nuôi thành công, dịch bệnh, công nghệ tiên tiến, giá thành sản phẩm, thị trường, năng lượng… đã được thảo luận và đối thoại tại Diễn đàn. “Diễn đàn tôm Việt” đã nhận được sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ và đóng góp của các đối tác ngành tôm như Vụ Nuôi trồng thủy sản, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng Cục Thủy Sản), Oxfam tại Việt Nam, WWF tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trên cả nước.

Hướng tới tinh thần học hỏi, chia sẻ các giá trị khoa học, kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng khoa học công nghệ phát triển bền vững mô hình tôm-lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó, góp phần thúc đẩy ngành Thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, ngày 05/10/2020 Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn tôm Việt 2020. Chủ trì diễn đàn là ông Trần Đình Luân (Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản), ông Nguyễn Việt Thắng (Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam) và ông Dương Thành Trung (Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu).

Tham dự Diễn đàn Tôm Việt - lần thứ 5 có trên 500 đại biểu của các cơ quan, đơn vị, tổ chức: Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các trường Đại học trong khu vực, OXFAM Việt Nam, WWF Việt Nam, SNV, MCD, IDH, GIZ, các công ty chế biến xuất khẩu thuỷ sản, công ty cung ứng đầu vào (tôm giống, thức ăn, vi sinh…), công ty chế biến xuất khẩu lúa, gạo. Cùng đến tham dự diễn đàn còn có các đại diện của các hộ nuôi tôm/canh tác tôm-lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Long An).

Nhiều vấn đề đã được đưa lên Diễn đàn để trao đổi, chia sẻ (tổng cộng có 15 bài tham luận). Phiên 1 - Giải pháp KHCN thúc đẩy phát triển tôm-lúa theo hướng “Lúa thơm – Tôm sạch” có các bài tham luận về Hiện trạng và Định hướng phát triển tôm-lúa tại Việt Nam; Thiết kế hệ thống đồng ruộng tôm-lúa phù hợp với điều kiện canh tác tự nhiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Mô hình ứng dụng KHCN phát triển tôm-lúa hiệu quả và bền vững; Các mô hình canh tác tôm-lúa bền vững tại Bạc Liêu; Kỹ thuật canh tác tôm-lúa và một số giống lúa chịu mặn (phù hợp trong mô hình tôm-lúa); Mô hình tôm-lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long: Những thách thức, cơ hội để chuyển đổi và phát triển bền vững, công bằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Mô hình tôm-lúa bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; Quy trình kỹ thuật nuôi tôm-lúa theo công nghệ của Công ty Trúc Anh.

Phiên 2 – Liên kết sản xuất theo hướng đạt được chứng nhận hữu cơ, bền vững, có các bài tham luận về Chứng nhận hữu cơ trong canh tác lúa-tôm; Các nguyên tắc cơ bản sản xuất hữu cơ Châu Âu; Kinh nghiệm xây dựng và phát triển mô hình tôm-lúa tại HTX Hòa Đề; Những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, cơ hội thị trường và tiềm năng cho tôm-lúa hữu cơ; Nâng cao chất lượng nguồn tôm giống Việt Nam; Liên kết hộ dân nuôi tôm thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế; Liên kết chuỗi tôm-lúa: Sản xuất theo hướng hữu cơ; Liên kết bao tiêu sản phẩm tôm trong mô hình tôm-lúa; Liên kết bao tiêu sản phẩm lúa tươi trong mô hình tôm-lúa; Ưu điểm vượt trội của giống lúa ST24 và ST25 trong mô hình tôm-lúa.

 Diễn đàn tôm Việt 2020 đã nhận được những đóng góp quý báu và vô cùng hữu ích của các đại biểu, diễn giả, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, công ty, người dân, sinh viên, người tiêu dùng… Diễn đàn đã đạt được mục tiêu gắn kết những tâm quyết với mô hình nuôi tôm-lúa, chia sẻ những kinh nghiệm thành công tạo ra sản phẩm giá trị cao “Tôm sạch – Lúa thơm”, hướng tới sản xuất bền vững; Đồng thời, giúp giải quyết những khó khăn, thách thức trong ngành Tôm (như vấn đề giá thành sản phẩm), nhờ đó, giúp hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao, thúc đẩy phát triển kinh tế của các doanh nghiệp/hộ nuôi tôm, thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng Tôm Việt Nam.

Đặc biệt, cũng tại diễn đàn lần này, UBND tỉnh Bạc Liêu đã công bố quyết định tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, phát triển mô hình tôm-lúa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác