Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác điều tra tài nguyên môi trường biển, hải đảo (15-09-2020)

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và môi trường đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030. Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 2020-2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện 16 dự án trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác điều tra tài nguyên môi trường biển, hải đảo

Với mục tiêu cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ, toàn diện những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025, làm tiền đề quan trọng thực hiện thành công Chương trình.

Kế hoạch tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình; Thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật và kết quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ cần tập trung tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Theo đó, xây dựng và thực hiện nội dung hợp tác quốc tế trong các dự án thuộc Chương trình; lồng ghép các nội dung hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong các dự án hợp tác quốc tế về lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và trong tổ chức thực hiện Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025 gồm:  Hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để tiếp nhận, chuyển giao tri thức, công nghệ, đồng thời tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Mở rộng quy mô hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu một số vấn đề quan trọng trong Biển Đông nhằm nâng cao giá trị khoa học và thực tiễn của các sản phẩm được tạo ra, tạo bước chuyển biến mới về công nghệ nghiên cứu biển, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ biển, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Có các biện pháp cụ thể huy động sự tham gia của chuyên gia trong và ngoài nước vào quá trình triển khai thực hiện Chương trình, tổ chức các đoàn ra và đoàn vào trao đổi, học tập kinh nghiệm, tham gia hội thảo, hội nghị quốc tế; thuê các tổ chức, cá nhân nước ngoài triển khai thực hiện dự án thuộc Chương trình theo quy định.

Kế hoạch gồm có 12 nhiệm vụ phục vụ tổ chức và quản lý thực hiện Chương trình. Từ năm 2020 đến 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện 16 dự án trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Để triển khai có hiệu quả, đảm bảo chất lượng 3 nội dung và 28 nhiệm vụ, dự án nêu trên, Kế hoạch đã quy định trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ. Trong đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp, đôn đốc và phối hợp triển khai Kế hoạch; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung Chương trình trọng điểm; chuẩn bị báo cáo Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Nhiều dự án sẽ được triển khai giai đoạn 2020-2030

Trong giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ có nhiều dự án được triển khai, trong đó, dự án có nguồn kinh phí lớn nhất lên tới 500 tỷ đồng là “Thành lập, hệ thống hóa bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ lớn 1:10.000, tỷ lệ trung bình 1:50.000 và tỷ lệ nhỏ 1:250.000, 1:500.000 trên toàn vùng biển Việt Nam phục vụ chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Các dự án tiếp theo gồm: Hợp phần 2 dự án “Điều tra tổng hợp tài nguyên và môi trường vùng biển Tây Nam Bộ phục vụ phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng”.

Dự án “Điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên và hiện trạng môi trường khu vực biển miền Trung Trung Bộ đến độ sâu 1.000 m nước, tỷ lệ 1/500.000 và một số vùng trọng điểm tỷ lệ 1/100.000.”

Dự án “Điều tra, khảo sát cấu trúc địa chất, đặc điểm địa động lực khu vực nước sâu Biển Đông nhằm đánh giá triển vọng dầu khí và định hướng công tác thăm dò vùng nước sâu gắn liền với mục tiêu khẳng định chủ quyền quốc gia”

Dự án “Thành lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo Việt Nam”.

Dự án “Điều tra đặc điểm cấu trúc địa chất, địa động lực và tài nguyên, môi trường vùng biển Quảng Ngãi-Phú Yên đến độ sâu 300m nước, tỷ lệ 1/100.000”.

Dự án “Điều tra, quan trắc tổng hợp các yếu tố vật lý hải dương và môi trường biển, thiết lập các mặt cắt đặc trưng điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”

Dự án “Tăng cường công tác điều tra cơ bản, quan trắc tài nguyên, môi trường biển thông qua lắp đặt các thiết bị điều tra, quan trắc tài nguyên, môi trường biển vào tàu du lịch khu vực biển Vịnh Hạ Long”.
 

Hợp phần 1 dự án “Điều phối, quản lý chung Dự án và tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý”.

Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển và hải đảo quốc gia (giai đoạn 2)”.

Hợp phần 1 “Điều tra, đánh giá và xây dựng quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật và quản lý chung Dự án “Điều tra, đánh giá tổng hợp, xác định khả năng chống chịu, sức tải môi trường và hệ sinh thái các vùng biển ven bờ phục vụ phát triển kinh tế bền vững, chủ động ứng phó sự cố môi trường và thiên tai”.

Dự án “Điều tra, đánh giá, rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo”.

Các dự án trên do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện.

Hai dự án tiếp theo do Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện, gồm: dự án “Điều tra cơ bản hệ thống tài nguyên vị thế, kỳ quan địa chất vùng biển, đảo Việt Nam, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, an ninh quốc phòng”.

Dự án “Điều tra và mô phỏng quá trình xâm nhập mặn trong các tầng chứa nước dưới đất và ảnh hưởng của nó đến an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và sinh thái ở các đồng bằng ven biển Việt Nam dưới bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện dự án “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng năng lượng sóng, năng lượng gió biển trên vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau”.

Cuối cùng là dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp phương pháp địa vật lý-hải dương xác định dịch chuyển bờ ngầm và địa chất tầng nông đới bờ phục vụ đánh giá, dự báo xâm thực bờ biển và đề xuất một số giải pháp phòng, chống xâm thực dải ven biển Việt Nam”.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác