Những suy nghĩ về ngành của nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc (01-09-2020)

Chiều 28/8, buổi gặp gỡ, ra mắt cuốn sách "Lắng đọng và suy nghĩ" của nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc được tổ chức tại Hà Nội. Những trăn trở và suy nghĩ về ngành thủy sản đã được tác giả hồi ký trong cuốn sách này.
Những suy nghĩ về ngành của nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc

Cuốn sách "Lắng đọng và suy nghĩ" do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phát hành, là tập hợp một số bài viết hoặc trả lời phỏng vấn trong những năm tháng đã nghỉ công tác của nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc.

Với 50 bài viết và trả lời phỏng vấn liên quan đến ngành thủy sản, đa số các bài viết đã được đăng trên báo, tạp chí có uy tín. Mỗi bài viết là một sự đúc kết, chắt lọc đưa ra thông điệp về ngành thủy sản, về đời sống xã hội, về hệ thống quản lý nhà nước ngành thủy sản. Sách được sắp xếp thành 5 phần: Phần 1: Nơi khởi đầu câu chuyện - những ngày rời công việc; Phần 2: Câu chuyện đã qua, góc nhìn hiện tại; Phần 3: Cho một thời kỳ phát triển mới; Phần 4: Tản mạn; Phần 5: Trở về.

“Những bài trong Lắng đọng và suy nghĩ, ngoài những nét chung về ngành, về đất nước, về thời cuộc được viết ra, cũng phảng phất những nét về người viết, về tâm tư của tác giả theo diễn tiến của thời gian những năm sau này. Tất cả, dù lớn hay nhỏ, mỗi bài viết tôi cũng muốn gửi đến các anh chị những thông điệp về ngành, về xã hội xung quanh liên quan, đặc biệt là về hệ thống quản lý của ta. Cuối cùng, tôi muốn viết thêm: Viết về những việc đã qua và vẽ lên những điều chưa tới chắc chắn dễ hơn việc ta đang làm, đang lăn lộn vất vả với chúng. Ở vị trí tôi, khi đã về nghỉ, viết ra những điều trên cũng thông cảm những cái khó của những người đang quản lý và đang lao động trong lực lượng này”- lời tác giả.

“Dẫu vậy tôi vẫn mong được coi những điều viết ra là có ích cho Nghề cá Việt Nam và cho chúng ta, và thực sự là cần thiết nếu ngay bây giờ nhìn thẳng và nhìn rõ những điểm tối trong góc khuất mà thay đổi cung cách quản lý nghề cá biển nước ta. Tiếp tục đổi mới và hội nhập sẽ thực hiện được những kỳ vọng về nó như những điều mong muốn trong cuốn sách này” - những xúc cảm nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc gửi gắm trong cuốn sách nhân ngày ra mắt.

Tại buổi ra mắt cuốn sách, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc là người có tầm nhìn chiến lược cho ngành thủy sản và đã đặt một nền móng vững chắc cho ngành thủy sản. Đến nay, những câu chuyện, những trăn trở, những định hướng mà Nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc viết trong cuốn sách "Lắng đọng và suy nghĩ" rất có ý nghĩa và còn nguyên giá trị để cho thế hệ trẻ suy ngẫm, tìm ra hướng đi mới cho ngành Thủy sản.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ nhân ngày ra mắt sách, Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng  nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam đã đi tắt đón đầu và để có cơ đồ ngày hôm nay là chúng ta đã tiếp cận với nguyên tắc cơ bản để thực hiện tư duy đó là HACCP. Ở Việt Nam ta, cho đến nay, dù NAFIQACEN, hay NAFIQAVED và cả đến NAFIQAD bây giờ, cái cốt lõi là theo đuổi nhất quán một tư duy quan trọng làm cơ sở cho sự hội nhập của thị trường thực phẩm thế giới được khởi nguồn từ cuối những năm 80, được chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết liệt để áp dụng vào Việt Nam ta trong những năm đầu 90. Đây là một dấu ấn rất lớn trong nhiệm kỳ của nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc, người đã theo đuổi tư duy quản lý mang tầm thế giới trong quản lý ngành thủy sản.

Cụ thể, đầu thập niên 1990, thực hiện chủ trương đổi mới và hội nhập, đón những cơ hội mới về thị trường, HACCP đã được đưa vào Việt Nam với sự nỗ lực của ngành, sự khuyến khích của Nhà nước, sự hợp tác của cơ quan Tiêu chuẩn và quản lý chất lượng trong nước, sự giúp đỡ, hợp tác của các tổ chức Quốc tế (UNDP, FAO, INFOFISH) và của những nước công nghiệp phát triển. Tiếp thu và giai đoạn đầu áp dụng HACCP đã thực hiện theo từng bước một cách bài bản suốt trong những năm 1990. Đầu tiên là tham gia tích cực vào "Chương trình tập huấn quốc tế về bảo đảm an toàn chất lượng của thủy sản và sản phẩm thủy sản" trong khuôn khổ dự án UNDP/FAO số hiệu INT 90/026 (từ 10/1988 đến 01/1990). Sau đó, trong hai năm 1991, 1992, Bộ Thủy sản đã chủ trì mở các lớp tập huấn trong nước về HACCP với số lượng người tham gia khoảng 300 người, bao gồm các nhà quản lý chất lượng thủy sản, trưởng ca, quản đốc các cơ sở sản xuất, cán bộ KCS và công tác tại các phòng thí nghiệm của doanh nghiệp chế biến khắp cả nước. Và đến ngày hôm nay, nó là tấm thẻ lưu hành cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam vươn ra thế giới và chính phục các thị trường khó tính nhất khẳng định thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thế giới, Ông Nguyễn Tử Cương khẳng định.

Trong khi đó, ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thủy sản thì đánh giá cuốn sách "Lặng đọng và suy nghĩ" là một cuốn hồi ký về ngành cũng như những câu chuyện của nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc đau đáu suy nghĩ mà ông đã dành cả quảng thời gian sau nghĩ hưu để xâu chuỗi lại những gì đã làm được, chưa làm được và những gì định hướng chiến lược cho ngành trong thời gian ông còn đương nhiệm cũng như thời gian về hưu sau này. Có thể nói để ngành thủy sản có được như ngày hôm nay là có công rất lớn từ nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc. Là người dẫn lối được ví như ngọn hải đăng để dẫn đường cho con tàu ngành thủy sản vươn khơi hội nhập như ngày hôm nay. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn luôn dõi theo sự phát triển của ngành, dành thời gian để tiếp tục có những đóng góp từ kinh nghiệm quản lý đến định hướng đường lối cho sự hội nhập. Cuốn sách như một "văn bia" của ngành thủy sản. Cuốn sách giúp cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ thấy được truyền thống của ngành thủy sản, đồng thời khơi dậy niềm tự hào, sự kế thừa phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác