Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao kết quả của tỉnh Ninh Bình trong phát triển kinh tế - xã hội (06-08-2020)

Ngày 30 tháng 7 năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình về Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020 và giai đoạn 2016-2020; Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao kết quả của tỉnh Ninh Bình trong phát triển kinh tế - xã hội
Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 12 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở Tỉnh ủy Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và đánh giá cao sự đoàn kết, quyết tâm sáng tạo và những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Giai đoạn 2016-2020, Ninh Bình đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, là nền tảng cho phát triển thời gian tới. Bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng, đặc biệt đã phát huy nhiều lợi thế của địa phương để phát triển.

Quy mô nền kinh tế được mở rộng, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,03%/năm; tổng thu ngân sách gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước; sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, bình quân đạt 22,03%/năm, đã hình thành được hệ thống công nghiệp chủ lực giá trị gia tăng cao, tạo ra sự tăng trưởng lớn trong thu ngân sách; sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng hàng hóa, bền vững; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là lao động khu vực nông thôn (hàng năm đón trên 7 triệu khách du lịch, doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng). Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả ấn tượng với 106/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới (91,4%) và 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, qua đó thực hiện mục tiêu cao nhất là cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Các lĩnh vực lao động, việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng lao động khu vực dịch vụ, công nghiệp, giảm khu vực nông, lâm nghiệp. Công tác phòng chống dịch bệnh (nhất là chống dịch Covid-19) được triển khai tốt; Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 ước còn 2%. Phát triển ứng dụng Công nghệ thông tin và Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tiếp tục được quan tâm chỉ đạo...

Trong sáu tháng đầu năm 2020, Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế: Tăng trưởng đạt 3,85%; thu ngân sách đạt 7.822,5 tỷ đồng, bằng 99,3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, đã chủ động thực hiện các giải pháp cấp bách, cách làm phù hợp, công khai, minh bạch để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, đã giải ngân được 71,22% kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2020, là một trong những địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Ninh Bình còn một số hạn chế cần khắc phục: Chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường vẫn còn diễn ra ở một số nơi trên địa bàn. Phát triển doanh nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với định hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà Tỉnh Ninh Bình đã đề ra; đồng thời, nhấn mạnh một số trọng tâm công tác

Về tầm nhìn phát triển Ninh Bình: Ninh Bình phải trở thành tỉnh có động lực tăng trưởng mạnh của Bắc Bộ và cả nước, một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách với cách làm sáng tạo, đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh và bền vững. Ninh Bình cần xây dựng một chiến lược tổng thể với tầm nhìn xa, có chiều sâu chuyên môn trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch - dịch vụ. Quy hoạch tốt để hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế đô thị, nông thôn mới bền vững; trong đó quan tâm hơn nữa đến quy hoạch vùng, quy hoạch Quốc gia, đảm bảo không chồng lấn, không phá vỡ quy hoạch chung.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra và phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020, có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt để Ninh Bình phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Đặc biệt, chủ động lập kế hoạch đầu tư phát triển cho giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu, từ năm 2021 tự cân đối ngân sách và có đóng góp vào ngân sách Trung ương. Tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, đầu tư các sản phẩm chủ lực; phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, có hiệu quả kinh tế trên địa bàn. Tập trung thực hiện thành công chuyển đổi số trong toàn tỉnh, trong đó có các vấn đề xã hội số, chính quyền số, kinh tế số, thanh toán điện tử, phát triển mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin... Khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lưu ý làm tốt quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường đầu tư và xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn của địa phương; đô thị hóa, kinh tế nông thôn mới gắn với môi trường sạch, sinh thái tốt là một trong những động lực phát triển của tỉnh trong 10 năm tới. Phấn đấu trở thành tỉnh nông thôn mới, từng bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó phát triển chuỗi giá trị nông sản, áp dụng bản đồ số trong nông nghiệp để hướng tới cung ứng các sản phẩm tươi, sạch cho du lịch và Thủ đô, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, phát triển mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến. Cải thiện các chỉ số về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh, Cải cách hành chính (PCI, PAPI, PAR Index); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. 

Đẩy mạnh phát triển toàn diện văn hóa - xã hội. Chú trọng đào tạo lao động chất lượng cao, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực chất; chủ động thu hút người tài đến sinh sống và lập nghiệp tại Ninh Bình. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác