Tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển (29-06-2020)

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 647/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. 
Tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển
Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu của Đề án là thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Theo quyết định số 647/QĐ-TTg, Đề án này sẽ tập trung thực hiện sáu nhiệm vụ lớn, trong đó có các nhiệm vụ như quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ; phát triển kinh tế biển, ven biển; điều tra cơ bản, nghiên cứu KH&CN, phát triển nguồn nhân lực biển; bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bên cạnh đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, ven biển, Đề án nêu rõ phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo. Hình thành các trung tâm du lịch ven biển lớn. Phát triển du lịch tàu biển và hệ thống cảng biển du lịch quốc tế, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế; phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác.

 

Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt các cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, khoáng sản, năng lượng tái tạo... Tăng cường mối liên kết chuyên ngành giữa các cảng lớn trong nước với các cảng khu vực và quốc tế; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Xây dựng kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp có tính dẫn dắt và hạt nhân cho chuỗi hoạt động dầu khí và khoáng sản; nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cung cấp dịch vụ dầu khí, tiến hành có hiệu quả các hoạt động đầu tư về dầu khí ở nước ngoài. Xây dựng hệ thống mạng lưới tuyến đường ống vận chuyển dầu khí dưới biển để tăng tính kết nối nội địa, từng bước kết nối vào mạng lưới đường ống khu vực, nhất là với các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thuỷ sản đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản và tiêu thụ.

Tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhất là các giống loài thủy sản quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng; nghiên cứu ngư trường phục vụ quy hoạch phát triển các ngành, nghề thủy sản hiệu quả cao, bền vững; nghiên cứu tham gia các hiệp định nghề cá khu vực và thế giới.

Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ở vùng ven biển thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hoá dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng song song với phát triển kinh tế biển bền vững là Bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đề án đã đề ra các nội dung: Nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần; phòng, chống biển xâm thực, xói sạt lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn; hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự cố môi trường, hóa chất độc trên biển; đầu tư, đưa vào hoạt động ít nhất một vệ tinh chuyên dụng, phục vụ việc giám sát thiên tai, môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thực hiện nghiêm túc các điều ước, thoả thuận khu vực và quốc tế về biển, đại dương mà Việt Nam đã tham gia; nghiên cứu thúc đẩy tham gia các điều ước quốc tế về các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển; thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Tăng cường quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa đại dương; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, trọng tâm là môi trường ở các khu vực đô thị, khu vực kinh tế, khu công nghiệp, các đảo ven biển có người sinh sống.

Đẩy mạnh điều tra, nghiên cứu khoa học các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, đầm phá, bãi triều - cửa sông, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học các khu vực biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia.

Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại các tỉnh, thành phố ven biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị ven biển, bảo đảm theo hướng bền vững, dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

Ngoài những nhiệm vụ trên, nhiệm vụ điều tra cơ bản, nghiên cứu Khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển là một trong những nội dung lớn của Đề án cần thực hiện. Nội dung này được nhấn mạnh đến vai trò của khoa học trong việc hình thành và giải quyết các vấn đề về kinh tế biển. Đó là: ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu KH&CN biển gắn với điều tra cơ bản biển; phối hợp với các nước có thế mạnh về khoa học biển để học hỏi, xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến của Việt Nam; tham gia các hoạt động quốc tế trong khuôn khổ Thập kỷ của Liên Hợp Quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030.

Để nâng cao hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học biển, Đề án đã nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo phát triển nhân lực biển chất lượng cao, trong đó chú trọng các lĩnh vực kinh tế hàng hải, du lịch biển, thủy hải sản, y học biển; xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên, môi trường biển.

Nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động trên diễn ra thuận lợi, Đề án còn đề cập đến việc xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các tổ chức KH&CN biển quốc tế, các ban biên tập các tạp chí quốc tế về biển.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác