Lễ công bố trực tuyến cuộc thi “Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực ASEAN” (EPPIC) (25-06-2020)

Ngày 24/6, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), Bộ Ngoại giao Na Uy và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad) đã công bố cuộc thi “Thử thách sáng tạo nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực ASEAN” ở các thành phố ven biển Vịnh Hạ Long (Việt Nam) và đảo Samui (Thái Lan) vào năm 2020, sau đó là Indonesia và Philippines vào năm 2021.
Lễ công bố trực tuyến cuộc thi “Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực ASEAN” (EPPIC)

Rất nhiều ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã được phát triển, nhưng những giải pháp này thường thiếu sự hỗ trợ hoặc gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô. Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC) mang đến cơ hội thú vị cho các nhà sáng tạo để nhận được nguồn tài trợ vốn và đào tạo ươm mầm giúp họ tối đa hóa cơ hội thành công. Cuộc thi sáng tạo chào đón tất cả các nhà sáng tạo đến từ khu vực ASEAN – bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức học thuật, các cơ quan nhà nước và các cá nhân – tới chia sẻ những ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở Vịnh Hạ Long hoặc Koh Samui.

Các nhà sáng tạo quan tâm được mời đăng ký trên trang web của EPPIC từ ngày 25 tháng 06 năm 2020 đến 23:59 đêm ngày 06 tháng 08 năm 2020.

Vịnh Hạ Long, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận tại tỉnh Quảng Ninh, là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam, nơi đã đón 14 triệu lượt khách du lịch vào năm 2019. Mỗi ngày, tỉnh Quảng Ninh phát sinh khoảng 1.397 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khoảng 12-18% là rác thải nhựa.Vịnh Hạ Long cũng là nơi có ngành nuôi trồng thủy sản lớn với 20.600 ao cá và 9.600 lồng nuôi cá, điều này có nghĩa là các thiết bị như phao và lưới đánh cá là những ngư cụ bằng nhựa phổ biến nhất bị thất lạc hoặc bị thải ra môi trường.

Mỗi năm, khoảng 08 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ vào đại dương. Khi bị phân hủy thành các mảnh nhựa siêu nhỏ, chúng sẽ đe dọa cuộc sống thủy sinh, xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người và ảnh hưởng đến sinh kế của các cộng đồng ven biển. Chỉ riêng Việt Nam đã tạo ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, và con số này ngày càng tăng: chỉ riêng năm 2019 mức tăng đã là 16%. Cũng cần lưu ý rằng chỉ có 9% lượng rác thải nhựa phát sinh được tái chế và 40% là đồ nhựa sử dụng một lần, đây là một vấn đề trở nên ngày càng cấp bách và phức tạp khó giải quyết.

Ông Bård Vegar Solhjell, Tổng giám đốc của Norad cho biết: “Norad tự hào được tài trợ cho Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa của UNDP Việt Nam, đây là một phần trong chương trình phát triển của Na Uy nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương. Với sự phối hợp liên ngành, giữa các quốc gia, chúng ta có thể cùng nhau dừng và chấm dứt ô nhiễm rác nhựa tại các đại dương của chúng ta. Để thực hiện được điều này, chúng ta cần phải suy nghĩ một cách sáng tạo. Việc công bố cuộc thi EPPIC mang đến những cơ hội như vậy. Những cơ hội này sẽ tạo ra các môi trường lành mạnh hơn và tạo ra việc làm trong nền kinh tế tuần hoàn”.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác