Những quy định của Luật Cạnh tranh về “Xử lý vi phạm hành chính” (17-04-2020)

Ngày 24 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết các Điều 9, 10, 13, 26, 31, 32, 33, 36, 56 và 82 của Luật Cạnh tranh; Trong đó, có các quy định chi tiết về “Xử lý vi phạm hành chính”.
Những quy định của Luật Cạnh tranh về “Xử lý vi phạm hành chính”
Ảnh minh họa

Theo Luật Cạnh tranh, việc đánh giá chứng cứ phải đầy đủ, khách quan, toàn diện và chính xác. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải đánh giá từng chứng cứ và khẳng định giá trị pháp lý của chứng cứ.

Mọi chứng cứ được công bố và sử dụng công khai, trừ những trường hợp sau: Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh không công bố và sử dụng công khai các chứng cứ thuộc bí mật nhà nước (theo quy định của pháp luật); chứng cứ liên quan tới thuần phong mỹ tục, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân (theo yêu cầu chính đáng của Người tham gia tố tụng cạnh tranh).

Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có quyền công bố và sử dụng công khai một số, một phần hoặc toàn bộ chứng cứ vào thời điểm thích hợp cho việc điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh. Cơ quan/ Người tiến hành tố tụng/ Người tham gia tố tụng phải giữ bí mật những chứng cứ (thuộc trường hợp không công bố) và sử dụng công khai theo quy định của pháp luật.

Xử lý vi phạm hành chính

Trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể là, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh (bằng văn bản).

Văn bản yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh phải có các đầy đủ các nội dung chính, như: Ngày, tháng, năm; Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan, tổ chức, cá nhân (bị kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh); Tóm tắt hành vi vi phạm pháp Luật Cạnh tranh; Lý do cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh; Thời gian, phạm vi, biện pháp cần áp dụng và các kiến nghị cụ thể khác.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu), cơ quan được yêu cầu phải ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Trường hợp cơ quan được yêu cầu từ chối áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính: Phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Về trách nhiệm phối hợp thực hiện biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong trường hợp “lý do” cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không còn thì Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ biện pháp đã được áp dụng.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2020.

Thông tin chi tiết của Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn/

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác