Quy định của Luật Cạnh tranh về “Tố tụng cạnh tranh” (17-04-2020)

Ngày 24 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết các Điều 9, 10, 13, 26, 31, 32, 33, 36, 56 và 82 của Luật Cạnh tranh; Trong đó, có các quy định chi tiết về “Tố tụng cạnh tranh”.
Quy định của Luật Cạnh tranh về “Tố tụng cạnh tranh”
Ảnh minh họa

Những tình tiết, sự kiện: Phải chứng minh/Không phải chứng minh

Bên khiếu nại có quyền và nghĩa vụ thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ và chứng minh “khiếu nại là có căn cứ và hợp pháp”. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ và chứng minh “yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”. Bên bị khiếu nại/ Bên bị điều tra/ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phản đối khiếu nại, yêu cầu của người khác đối với mình có quyền chứng minh “sự phản đối đó là có căn cứ” và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh (quy định tại khoản 2 Điều 80 của Luật Cạnh tranh).

Những tình tiết, sự kiện sau đây không phải chứng minh:

(1) Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh hoặc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thừa nhận; (2) Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng/ chứng thực hợp pháp (trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của tình tiết, sự kiện trong văn bản này thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cung cấp, giao nộp văn bản xuất trình văn bản gốc, bản chính); (3) Bên bị khiếu nại/ Bên bị điều tra/ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản mà một bên đưa ra thì bên đưa ra tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản đó không phải chứng minh. Bên bị khiếu nại/ Bên bị điều tra/ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có Người đại diện tham gia tố tụng thì “Sự thừa nhận của Người đại diện” được coi là “Sự thừa nhận của Đương sự”.

Điều tra vụ việc cạnh tranh

Trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc cạnh tranh, Người tham gia tố tụng cạnh tranh (quy định tại Điều 66 của Luật Cạnh tranh, trừ người phiên dịch) có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. Việc giao nộp chứng cứ phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ: Tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của chứng cứ; Số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; Chữ ký hoặc điểm chỉ của Người giao nộp; Chữ ký của Người nhận và dấu của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Đối với các tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số/ tiếng nước ngoài: Phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng/ chứng thực hợp pháp. Thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ quy định tại Điều 81, 87 của Luật Cạnh tranh. Thời hạn điều tra bổ sung quy định tại Điều 89, 90, 91 của Luật Cạnh tranh (hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh).

Quyết định trưng cầu giám định/ Quyết định giám định bổ sung

Bên khiếu nại/ Bên bị khiếu nại/ Bên bị điều tra/ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh trưng cầu giám định; hoặc tự mình đề nghị giám định (trong trường hợp Thủ trưởng Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh từ chối trưng cầu giám định). “Quyết định trưng cầu giám định” phải ghi rõ: Tên, địa chỉ của Người giám định, đối tượng cần giám định, những vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của Người giám định.

Thủ trưởng Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh sẽ ra “Quyết định giám định bổ sung” trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc cạnh tranh (đã được kết luận giám định trước đó). Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc có vi phạm pháp luật.

Đặc biệt là, đối với các trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì Người đưa ra chứng cứ đó có quyền rút lại. Trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật về Tố tụng hình sự.

Người đưa ra chứng cứ giả mạo phải bồi thường thiệt hại (nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho tổ chức/ cá nhân khác) và phải chịu chi phí giám định nếu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh quyết định trưng cầu giám định.

Xử lý vụ việc cạnh tranh

Trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể ra “Quyết định ủy thác” để Cơ quan có thẩm quyền lấy lời khai của Người tham gia tố tụng (hoặc các biện pháp khác) để thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh tình tiết của vụ việc cạnh tranh. “Quyết định ủy thác”phải ghi rõ: Tên, địa chỉ của Người tham gia tố tụng và những công việc cụ thể ủy thác.

Trường hợp việc thu thập tài liệu, chứng cứ phải tiến hành ở nước ngoài thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia làm thủ tục ủy thác thông qua Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này); hoặc thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

Về việc bảo quản chứng cứ, Nghị định 35/2020/NĐ-CP đã quy định rõ tất cả các trường hợp bảo quản chứng cứ được thực hiện bởi Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh/ Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh/ Người đang lưu giữ chứng cứ/ Người thứ ba bảo quản chứng cứ. Riêng đối với trường hợp Người thứ ba bảo quản chứng cứ: Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh sẽ ra Quyết định và lập biên bản giao cho người đó bảo quản. Người nhận bảo quản ký tên vào biên bản và được hưởng thù lao bảo quản. Nghiêm cấm việc hủy hoại tài liệu, chứng cứ.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2020.

Thông tin chi tiết của Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn/

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác