Những quy định của Luật Cạnh tranh về “Tập trung kinh tế” (13-04-2020)

Ngày 24 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết các Điều 9, 10, 13, 26, 31, 32, 33, 36, 56 và 82 của Luật Cạnh tranh; Trong đó, có các quy định chi tiết về “Tập trung kinh tế”.
Những quy định của Luật Cạnh tranh về “Tập trung kinh tế”
Ảnh minh họa

Thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện Tập trung kinh tế

Các doanh nghiệp dự định tham gia Tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện Tập trung kinh tế nếu thuộc một trong 04 trường hợp sau: (1) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện Tập trung kinh tế; (2) Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện Tập trung kinh tế; (3) Giá trị giao dịch của Tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên; (4) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia Tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện Tập trung kinh tế.

Các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng/ doanh nghiệp bảo hiểm/ công ty chứng khoán dự định tham gia Tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện Tập trung kinh tế nếu thuộc một trong 04 trường hợp sau: (1) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên, của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện Tập trung kinh tế; tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt 20% trở lên trên tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện Tập trung kinh tế; (2) Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 10.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện Tập trung kinh tế; tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện Tập trung kinh tế; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt từ 20% trở lên trên tổng doanh thu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện Tập trung kinh tế; (3) Giá trị giao dịch của Tập trung kinh tế của doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán từ 3.000 tỷ đồng trở lên; giá trị giao dịch của Tập trung kinh tế của tổ chức tín dụng từ 20% trở lên trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện Tập trung kinh tế; (4) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia Tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liên kề trước năm dự kiến thực hiện Tập trung kinh tế.

Trường hợp Tập trung kinh tế được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, ngưỡng thông báo Tập trung kinh tế được áp dụng theo điểm a, b hoặc d của khoản 1, điểm a, b hoặc d của khoản 2 Điều 13 của Nghị định này.

Tác động hạn chế cạnh tranh của việc Tập trung kinh tế

Tác động hạn chế cạnh tranh (hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc Tập trung kinh tế) sẽ được đánh giá dựa trên 07 nội dung sau:

(1) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia Tập trung kinh tế trên thị trường liên quan (trước và sau Tập trung kinh tế); (2) Mức độ tập trung trên thị trường liên quan (trước và sau Tập trung kinh tế); (3) Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia Tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia Tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau; (4) Lợi thế cạnh tranh do Tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan được xem xét tổng thể dựa trên các ưu thế về đặc tính sản phẩm, chuỗi sản xuất, phân phối, năng lực tài chính, thương hiệu, công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và các ưu thế khác của doanh nghiệp sau Tập trung kinh tế; (5) Khả năng doanh nghiệp tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên thu (sau Tập trung kinh tế); (6) Khả năng doanh nghiệp sau Tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập, mở rộng thị trường; (7) Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia Tập trung kinh tế.

Tác động tích cực của việc Tập trung kinh tế

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ đánh giá tác động tích cực của việc Tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố sau:

Tác động tích cực đến phát triển của ngành, lĩnh vực; khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước: Khả năng phát huy hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, nguồn lực của địa phương, ngành nghề, lĩnh vực và xã hội do việc Tập trung kinh tế có thể mang lại (phù hợp với mục tiêu đề ra trong các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); Mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học, cải tiến công nghệ của doanh nghiệp (sau Tập trung kinh tế) để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hoặc phục vụ các lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng.

Tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem xét dựa trên việc đánh giá các cơ hội và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi gia nhập, mở rộng thị trường hoặc tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng lưới phân phối hàng hóa, dịch vụ do Tập trung kinh tế dự kiến mang lại. Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế được đánh giá dựa trên hệ quả tích cực của Tập trung kinh tế nhờ mở rộng quy mô sản xuất, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp sau Tập trung kinh tế.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2020.

Thông tin chi tiết của Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn/

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác