Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam (10-03-2020)

Ngày 05 tháng 03 năm 2020, tại Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
Ảnh minh họa

Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương có liên quan.

Kế hoạch 5 năm đến năm 2025: Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025 nhằm triển khai các chủ trương lớn, khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng huy động các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển.

Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 05 tháng 03 năm 2020 của Chính phủ đã khẳng định: Thực hiện tốt Kế hoạch 5 năm đến năm 2025 là điều kiện căn bản và quan trọng để thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW trong suốt quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ; Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế biển Việt Nam, xây dựng thương hiệu biển Việt Nam; Tạo được sự bứt phá về khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý các vùng biển, ven biển và hải đảo; bảo đảm tính khả thi trong huy động và sử dụng nguồn lực, phù họp với bối cảnh quốc tế và trong nước; Đồng thời, bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Triển khai đồng bộ các giải pháp chủ yếu về Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, trên cơ sở xem xét một cách khách quan, toàn diện năng lực triển khai, điều kiện thực hiện của từng bộ, ngành, địa phương; Đa dạng hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển phục vụ Phát triển bền vững kinh tế biển; Bảo đảm tích hợp, lồng ghép, không trùng lặp, liên tục và kế thừa kết quả thực hiện trong giai đoạn trước của các nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương. Xác định một số nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2026 - 2030.

Những nội dung quan trọng của Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm có: Quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; Phát triển kinh tế biển, ven biển thông qua các hoạt động Nuôi trồng và Khai thác hải sản; Phát triển các vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình); Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ (Thanh Hoá - Bình Thuận); Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh); Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Kiên Giang).

Bên cạnh các nội dung trên, Kế hoạch tổng thể còn đề cập đến nhiều lĩnh vực khác như: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; Phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển; Khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; Môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Đối với Kế hoạch 5 năm đến năm 2025, cũng xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025 như: Quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ;  Phát triển kinh tế biển, ven biển; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; Vấn đề môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện tốt Luật Thủy sản năm 2017; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành thủy sản phù hợp với Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các quy hoạch chuyên ngành để phát triển thủy sản, chỉ đạo đầu tư xây dựng các trung tâm nghề cá lớn; thực hiện phòng, chống thiên tai từ biển; xây dựng các chính sách về nuôi trồng và khai thác thủy sản, bảo tồn biển; bảo tồn, phục hồi và Phát triển bền vững các hệ sinh thái biển, ven biển, ven đảo để đóng góp vào phát triển kinh tế biển, ven biển.

Các đề án, dự án, nhiệm vụ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện nhằm triển khai hiệu quả “Kế hoạch tổng thể đến năm 2030 và Kế hoạch 5 năm đến năm 2025 thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”: (1) Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (2) Dự án đầu tư hệ thống thông tin quản lý nghề cá; (3) Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái; (4) Đề án phát triển nuôi trồng hải sản trên biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; (5) Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3% diện tích các vùng biển Việt Nam; (6) Dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho lực lượng kiểm ngư; (7) Tiếp tục triển khai “Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025”, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích các vùng biển Việt Nam

Thông tin chi tiết của Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 03 năm 2020: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn/

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác