Tổng cục Thủy sản tuyên truyền thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (06-02-2020)

Trong thời gian vừa qua, Văn phòng Tổng cục Thủy sản đã thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Tổng cục Thủy sản tuyên truyền thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia
Ảnh minh họa

Qua đó, các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản đã được tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm nghiêm túc thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020). Văn phòng Tổng cục Thủy sản đã gửi toàn văn Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP đến tất cả các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản; Đồng thời đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động.

Luật Phòng chống tác hại rượu, bia: Luật số 44/2019/QH14 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019; quy định Biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; Biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; Biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; Điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; Quản lý nhà nước và Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Nghị định 100/2019/NĐ-CP được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020).

Liên quan đến việc Phòng chống tác hại rượu, bia, Nghị định 100 đã quy định các mức xử phạt cụ thể như sau:

Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: (1) Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; (2) Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; (3) Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: (1) Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; (2) Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; (3) Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Ngoài ra, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định các mức xử phạt nồng độ cồn của Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ; Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Thông tin chi tiết về các mức xử phạt: Xem tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác