Ngành nông nghiệp nỗ lực đạt được những mục tiêu cao nhất trong năm 2020 (08-01-2020)

Ngày 7/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2020.
Ngành nông nghiệp nỗ lực đạt được những mục tiêu cao nhất trong năm 2020

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã nỗ lực bám sát thực tiễn,vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường; đồng thời khuyến kích đổi mới sáng tạo và chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để tạo giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường quốc tế. 

Những điểm sáng nổi bật của ngành có thể kể đến là: Công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản được chú trọng, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường tuyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng... Nhờ vậy đã gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả rập Xê út; 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ; mở rộng xuất khẩu nông sản sang một số thị trường mới.

Năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10 - 15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 dự kiến đạt 41,3 tỷ USD tăng khoảng 3,2% so với với năm 2018 (riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%). Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018. Tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều).

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng khoa học công nghệ, tạo các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ở ba trục sản phẩm, gồm: (i) nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; (ii) nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; (iii) nhóm sản phẩm địa phương (OCOP). Theo đó, nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: tôm, cá tra,… Cấp địa phương, căn cứ các tiêu chí quy định, cả nước đã có 09 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá, về đích hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020; nhất là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Ngành NN&PTNT đặt chỉ tiêu cơ bản là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 - 3,05%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD.

Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: Năm 2019 vừa qua, lãnh đạo Bộ NN&PTNT luôn có sự chỉ đạo sát sao đối với Tổng cục Thủy sản. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản còn nhận được sự phối hợp của các đơn vị trong và ngoài ngành. Năm 2020, ngành Thủy sản sẽ có một số yếu tố thuận lợi như: Hàng tồn kho của các nước đã tiêu thụ hết, nhu cầu đối với các mặt hàng thủy sản sẽ tăng lên; một số thị trường sẽ ấm lên. Tuy nhiên, ngành Thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, hạn hán, xâm nhập mặn ít nhiều sẽ tác động đến sản xuất thủy sản, hạ tầng về nuôi trồng và khai thác còn nhiều yếu kém, đặc biệt là việc các địa phương còn chuyển biến chậm trong việc áp dụng quy định mới của Luật Thủy sản 2017. Vì vậy, năm 2020, ngành Thủy sản sẽ tập trung chỉ đạo cho mục tiêu tăng trưởng. Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, ngành sẽ xác định các lợi thế loài nuôi của ngành. Đồng thời, tăng cường dự báo ngư trường, tuyên truyền để người dân khai thác hiệu quả; tổ chức tốt liên kết, tái cơ cấu khai thác theo tổ, đội gắn theo chuỗi, đặc biệt là triển khai đồng bộ các giải pháp khuyến nghị của Ủy ban châu Âu EC về tháo gỡ thẻ vàng, tạo điều kiện cho xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU.

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn nhấn mạnh: Việc gỡ thẻ vàng của EC là mong mỏi cũng là mệnh lệnh đối với Tổng cục Thủy sản. Tổng cục Thủy sản cần có kịch bản rõ ràng để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2020 là 10 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhìn lại năm 2019, ngành nông nghiệp đã nhận định đúng tình hình để có nhóm giải pháp tích cực nhất, đặt mục tiêu cao để tạo ra áp lực tích cực cho các đơn vị, chỉ đạo quyết liệt xuyên suốt từ đầu năm đến cuối năm và xử lý tình huống một cách đồng bộ, hệ thống, quyết liệt. Bộ trưởng đề nghị tất cả các đơn vị phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ, khả thi nhất để đạt được những mục tiêu cao nhất trong năm 2020.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác