Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (24-12-2019)

Ngày 23/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết nhiệm vụ năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì Hội nghị.  
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, năm nay, toàn ngành đối diện 3 khó khăn, thách thức lớn: Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát ở 63/63 tỉnh, thành phố, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi; diễn biến thời tiết gây hạn hán, lũ lụt, cháy rừng ở một số nơi (Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung Bộ); thị trường nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, nhất là đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu với những quy định mới, khắt khe và yêu cầu cao hơn của thị trường Trung Quốc...

Trong bối cảnh đó, toàn ngành nông nghiệp đã triển khải quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, chú trọng khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong năm 2019, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản được chú trọng, mở rộng thêm các thị trường tiềm năng. Nhờ vậy đã gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả-rập Xê-út; 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ…

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng trên 3% so với năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm 2018; tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD là: gỗ và sản phẩm gỗ (đứng đầu với trên 11 tỷ USD), tôm, rau, hạt điều. Đối với thủy sản, Trung Quốc đã chấp nhận nhập khẩu chính ngạch 48 loài thủy sản sống, 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến của 650 doanh nghiệp Việt Nam. Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu cá tra, tôm của Việt Nam hầu như về mức 0%.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai rộng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Năm 2019, ngành đã coi trọng tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường, hình thành các vùng sản xuất lớn gắn với thị trường như các vùng cây ăn trái ở Sơn La, Hưng Yên, Bắc Giang, cá tra An Giang...

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, yếu kém như cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng đều, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông lâm thủy sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm…  

Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam đạt một số mục tiêu năm 2020: Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%, tức là cao hơn năm nay. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD.

Thủ tướng nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp phải nỗ lực phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu chủ lực đứng hàng đầu thế giới. Thủ tướng giao một số nhiệm vụ cho Bộ như tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường, mở rộng phát triển thị trường; Giữ chất lượng và chữ tín các sản phẩm nông nghiệp; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn; Sớm lấy lại thẻ xanh của EC về thủy sản, không để bị rút thẻ đỏ.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác