Bàn giải pháp thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017 (23-12-2019)

Ngày 19/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị bàn giải pháp thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.
Bàn giải pháp thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017

Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành như: Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Hội Nghị, đại diện Tổng cục Thủy sản đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình 188 về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong năm 2019, đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017. Các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã cung cấp thêm các thông tin chuyên sâu đối với từng vấn đề như: công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản; thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; công tác bảo tồn biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; công tác phối hợp liên ngành với các lực lượng như: Bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông đường thủy, cảnh sát biển Việt Nam trong việc thực thi các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của Tổng cục Thủy sản cũng như các địa phương, các lực lượng liên ngành góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Một số các kết quả nổi bật như: (1)  hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được ban hành và từng bước triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thuận tiện; (2) các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được ban hành và dần đi vào cuộc sống của người dân; (3) các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương đã được hình thành và nhân rộng; (4) công tác tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản đã được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư; (5) công tác thực thi pháp luật và phối hợp liên ngành được triển khai có hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn thiếu, hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm; (2) số lượng tàu cá khai thác thủy sản nhiều, chưa kiểm soát được cường lực khai thác phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi; (3) điều tra, nghiên cứu khoa học về nguồn lợi hải sản chưa được triển khai đồng bộ và đầy đủ; (4) phát triển kinh tế, du lịch nhưng chưa chú trọng nhiều đến bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; (5) hướng dẫn kỹ thuật trong hoạt động cứu hộ các loài nguy cấp, quý, hiếm còn thiếu; các trung tâm cứu hộ chưa được xây dựng; (6) tình trạng khai thác, buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện một số nội dung như: (1) ưu tiên bố trí kinh phí, nguồn lực để thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản 2017; (2) tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân, cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; (3) thực hiện tốt công tác điều tra nghề cá thương phẩm; điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sống của loài thuỷ sản theo chuyên đề phục vụ nhu cầu quản lý của từng địa phương; (4) ưu tiên thành lập, quản lý khu bảo tồn biển nhằm đạt mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương; (5) rà soát, xử lý các vi phạm đã xảy ra trước đây, không giao mặt nước biển thuộc phạm vi quản lý khu bảo tồn biển cho các tổ chức, cá nhân để xây dựng công trình trái với qui định pháp luật; (6) phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; (7) tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam và Tổng cục Thủy sản; (8) xây dựng và triển khai tháng hành động về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (9) thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh.

Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau: (1) Tham mưu xây dựng Quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản; Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quỹ Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản, dự án điều tra nguồn lợi hải sản biển sâu làm cơ sở khoa học để hoạch định chính sách và quản lý nghề cá theo hướng bền vững, hiệu quả. (2) thực hiện có hiệu quả các dự án Điều tra nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam và các hệ sinh thái ven biển làm căn cứ xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản hằng năm; (3) tham mưu ổ sung chính sách về đầu tư cho các khu bảo tồn biển, thả rạn san hô nhân tạo, hỗ trợ đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (4) Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn thực hiện đồng quản lý; tổ chức tập huấn cho các địa phương về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (5) tham mưu cho Bộ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 và Quyết định 742/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy hoạch khu bảo tồn biển.

Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác