03 năm Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (09/11/2016 - 09/11/2019) (11-11-2019)

Nhân dịp Kỷ niệm 03 năm Ngày thành lập, sáng 09/11/2019, tại thành phố Vũng Tàu, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã tổ chức “Hội nghị Toàn thể Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam 2019” để tổng kết, đánh giá hoạt động năm 2018-2019 và thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2019-2020.
03 năm Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (09/11/2016 - 09/11/2019)

Đây là Hội nghị thường niên do Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức hàng năm. Đến dự “Hội nghị Toàn thể Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam 2019” có các đại biểu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh/ thành phố ven biển, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường đại học Việt - Đức, Công ty Sinh thái Việt Nam, các nhà nghiên cứu khoa học và toàn thể Hội viên của Hiệp hội – những người luôn tâm huyết với phát triển nuôi biển.

Phát triển nuôi biển công nghiệp Việt Nam

Trong năm qua, VSA đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất. Đề xuất, vận động và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản cùng các cơ quan hữu quan góp ý, xây dựng khung pháp lý, làm nền tảng cơ sở cho các Chính sách Phát triển nuôi biển công nghiệp. Cụ thể là: Đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản hoàn thiện “Đề án phát triển nuôi biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050” để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; Phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP) xây dựng và bảo vệ “Đề tài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng nghề nuôi biển Việt Nam và đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ, chính sách phát triển phục vụ xây dựng nông thôn mới các địa phương vùng ven biển giai đoạn 2018-2030”.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai hợp tác phát triển nuôi biển tại các tỉnh/thành phố (như: Quảng Ninh, Phú Yên, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và Bình Định). Thực hiện ký kết Thỏa thuận Hợp tác Phát triển nuôi biển với các đơn vị, tổ chức (như: Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển; Trung tâm Tư vấn Đầu tư Đào tạo và Dịch vụ quốc tế). Tháng 8/2019 tại Hải Phòng, Hiệp hội đã tổ chức thành công “Hội thảo Quốc gia Phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp Việt Nam”, đặt dấu ấn quan trọng cho sự nghiệp phát triển nuôi biển công nghiệp Việt Nam.

Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế

Phát triển nuôi biển công nghiệp bền vững là nhiệm vụ chính và là cốt lõi của tinh thần Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam. Trong các năm 2018-2019, Hiệp hội đã hợp tác với các đối tác quan trọng nhất trong lĩnh vực nuôi biển công nghiệp trong nước và quốc tế; trở thành Thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với nhiều hoạt động tích cực - sáng tạo. Làm cầu nối cho các hoạt động hợp tác Việt Nam với các nước trên thế giới: Mời chuyên gia Nhật Bản và một số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, thúc đẩy hợp tác nuôi, chế biến thủy sản biển; Hoàn thành nhiệm vụ “Đánh giá sức tải môi trường, phục vụ quy hoạch nuôi biển tại Quảng Ninh” do DANIDA tài trợ, nhờ đó, giúp tỉnh Quảng Ninh có cơ sở xây dựng Đề án phát triển nuôi biển công nghiệp; Hoàn thành Dự án “Bước đầu hỗ trợ phát triển nuôi biển bền vững” do Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững của Hà Lan hỗ trợ; Đồng thời, đã đề xuất dự án “Tiếp cận tín dụng cho phát triển nuôi biển bền vững tại Việt Nam”.

Bên cạnh đó, phối hợp với Innovation Norway để tổ chức Đoàn công tác do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu, tham dự Hội chợ AquaNor và khảo sát các doanh nghiệp nuôi biển của Na-Uy (tháng 8/2019); mời các doanh nghiệp thủy sản Na-Uy sang thăm Việt Nam. Tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Đại dương Xanh” thúc đẩy hợp tác về khoa học công nghệ, tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nuôi biển Việt Nam. Phối hợp với Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Hoa Kỳ (USSEC) tổ chức trực tuyến “Hội nghị Nuôi trồng thủy sản toàn cầu GOAL 2019”. Đề xuất với Dự án LinkSME của USAID hỗ trợ xây dựng chuỗi nuôi cá biển công nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp hội đã làm việc với Văn phòng đại diện của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) về việc hỗ trợ phát triển nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam. Gặp và làm việc với ông Paul Comyn - Chuyên gia cao cấp về Kỹ năng nghề và Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc đào tạo công nhân nuôi biển.

Đối với lĩnh vực xúc tiến thương mại và phát triển thị trường

Hiệp hội đã tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá về hoạt động nuôi biển của Việt Nam tại các Hội chợ Triển lãm lớn như: Hội chợ Triển lãm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh); Hội chợ Triển lãm Thủy sản quốc tế VIETFISH 2019 (tại thành phố Hồ Chí Minh); Hội chợ Aquaculture Vietnam 2019 (tại Cần Thơ); Hội chợ Thủy sản Châu Á - Seafood Show Asia 2019 (tại thủ đô Jakarta, Indonesia). Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cũng đã cùng một số hội viên, tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm về nuôi biển với Công ty Aquatec tại Bandung (Indonesia).   

Kế hoạch trong những năm tiếp theo

Năm 2020 là năm kết thúc Nhiệm kỳ đầu tiên của Hiệp hội. Vì vậy, các hoạt động của Hiệp hội sẽ thiết kế tập trung hơn để tạo dựng nền móng vững vàng cho phát triển nuôi biển trong tương lai. Chủ yếu tập trung hỗ trợ hội viên xây dựng các trại nuôi công nghiệp tiên phong. Hỗ trợ hội viên hoàn chỉnh việc xây dựng dự án, hoàn tất thủ tục trình duyệt, tiếp cận các nguồn vốn vay, tiến hành xây dựng và vận hành các trại nuôi biển theo phương thức công nghiệp tại các tỉnh trọng điểm (Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Tp Hồ Chí Minh, Kiên Giang), sản xuất các nhóm mặt hàng chủ yếu, tập trung cho 04 nhóm Dự án: Nuôi cá biển; Sản xuất giống thủy sản; Nuôi nhuyễn thể; Trồng rong biển.

Tại lĩnh vực Nuôi cá biển, sẽ tập trung cho Dự án trại nuôi cá biển với 12 lồng tròn HDPE, có hệ thống neo buộc cải tiến, sử dụng sà lan cho ăn, ứng dụng công nghệ IoT (tại Kiên Giang); Dự án trại nuôi cá biển với 10 lồng tròn HDPE kết hợp du lịch ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Dự án trại nuôi cá biển với 10 lồng tròn HDPE kết hợp du lịch ở Vân Đồn (Quảng Ninh); Dự án trại nuôi cá biển và trồng rong biển quy mô công nghiệp ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).\

Đối với lĩnh vực Sản xuất giống sử dụng công nghệ RAS (hoặc công nghệ tiên tiến khác), sẽ tập trung vào các Dự án trại sản xuất giống cá biển quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ RAS tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa); Dự án trại sản xuất giống cá song, sử dụng công nghệ RAS Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đối với lĩnh vực Nuôi nhuyễn thể, sẽ tập trung vào Đề án phát triển chuỗi giá trị nuôi và chế biến, xuất khẩu ngao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (Nam Định); Trại nuôi hàu Thái Bình Dương ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Về các dự án Rong biển, sẽ tập trung xây dựng chuỗi giá trị rong, trồng trên vải và chế biến rong thành tấm nori, Dự án thử nghiệm chiết xuất các chế phẩm sinh học từ rong biển (Khánh Hòa).

Trước mắt, năm 2019-2020, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam sẽ tập trung Hỗ trợ hội viên xây dựng các trại nuôi công nghiệp điển hình; Xây dựng và thực hiện các dự án, đề án; Thực hiện công tác vận động, tư vấn, phản biện chính sách; Đẩy mạnh công tác hội viên và xây dựng Hiệp hội.  

Đối với các Dự án/ Đề án phát triển

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam sẽ phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP) triển khai thực hiện “Dự án điều tra hiện trạng và trình độ công nghệ nuôi cá biển Việt Nam”; Đề xuất và thực hiện “Dự án hỗ trợ tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp Việt Nam” do Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) tài trợ; Phối hợp với Công ty TNHH Du thuyền Ngựa Biển và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng “Đề án thí điểm chuyển dàn khoan Sông Đốc thành Trung tâm phục vụ vùng nuôi cá biển khơi” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, phối hợp với VCCI-HCM, Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) và các đối tác Na-Uy xây dựng “Dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam” do NHO tài trợ; Phối hợp với Innovation Norway, Quỹ Hỗ trợ Xuất khẩu Na-Uy và các đối tác Na-Uy xây dựng Chương trình hợp tác song phương Phát triển nuôi biển công nghiệp; Phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch xây dựng “Đề án hợp tác B2B phát triển nuôi biển công nghiệp” do DANIDA hỗ trợ; Phối hợp với Hội Liên lạc với người Việt Nam ở Nước ngoài (ALOV) tìm kiếm các đối tác Nhật Bản hợp tác chuyển giao công nghệ nuôi, chế biến và xuất khẩu hải sản nuôi sang Nhật Bản. Ngoài ra, tập trung xây dựng “Dự án Trung tâm Phân phối Thủy sản sạch Hà Nội”. Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED), Công ty Kampachi (Hawaii) và các đối tác Hoa Kỳ hợp tác ứng dụng công nghệ nuôi biển khơi bằng các thiết bị lồng chìm tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đặc biệt, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Global GAP, BAP, ASC, ASIC xây dựng “Quy chuẩn trại công nghiệp nuôi cá biển nhiệt đới”. Tăng cường kết nối với các ngành kinh tế biển khác (như dầu khí, đóng tàu, năng lượng biển, vận tải biển, du lịch...) và các lực lượng quốc phòng, an ninh để tổ chức triển khai các Chương trình, Đề án, Dự án đầu tư phát triển nuôi biển công nghiệp, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tại “Hội nghị Toàn thể Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam 2019”, Ban Chấp hành Hiệp hội đã kêu gọi toàn thể doanh nghiệp hội viên tăng cường đoàn kết, phối hợp với các cơ quan Nhà nước và đối tác quốc tế, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình công tác năm 2019-2020; chung sức chung lòng tạo những bước tiến cơ bản để xây dựng Hiệp hội lớn mạnh, góp phần đưa ngành Nuôi biển công nghiệp Việt Nam hiện đại, tiên tiến, phát triển theo hướng bền vững, đạt đến những thành tựu và tầm cao mới. Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam - PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng một lần nữa nhấn mạnh: Chuyển dần từ Khai thác thủy sản sang phát triển Nuôi biển theo quy mô công nghiệp ở vùng biển xa bờ và đại dương chính là bước đột phá trong Chiến lược phát triển bền vững ngành Thủy sản Việt Nam.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác