Tổng kết 20 năm quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA ngành nông nghiệp (05-07-2019)

Ngày 3/7 tại Hà Nội, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị Tổng kết 20 năm quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA.
Tổng kết 20 năm quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA ngành nông nghiệp

Từ năm 1993, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ về vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) từ các nhà tài trợ quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ các nước: Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Australia, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan... Nguồn vốn ODA dành cho nông nghiệp được tập trung vào phát triển nông nghiệp bền vững như: xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, cảng cá, chợ đầu mối, hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn, hoàn thiện thể chế... 

Ngày 3/7/1999, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 100/1999/QĐ-BNN-TCCB về việc thành lập Ban Quản lý các dự án nông nghiệp. Theo đó, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp được Bộ trưởng giao trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và phát triển hạ tầng nông thôn.

Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong số 23 chương trình, dự án có 17 chương trình, dự án đã hoàn thành và 6 dự án đang triển khai thực hiện. Các dự án có phạm vi hoạt động tại 63 tỉnh, thành trên cả nước và đa dạng các lĩnh vực bao gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn...

Cụ thể, đã có gần 5.000 km đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp. Hơn 700km kênh mương cùng với công trình hồ đập thủy lợi, 22 trạm bơm được cải tạo. Gần 600 chợ nông thôn và chợ an toàn thực phẩm được cải tạo và nâng cấp tại 18 tỉnh, thành phố với 25.000 hộ tiểu thương được hưởng lợi. Bên cạnh đó, 100km đê kè biển và đê kè sông được chống lún, phục hồi và nâng cấp. 21 cảng cá, bến cá và gần 50 vùng nuôi được nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Từ ngồn vốn tài trợ đã phát triển tín dụng nông nghiệp với tổng số vốn giải ngân lên đến hơn 3.500 tỷ đồng với hành trăm ngàn khoản vay tới tay nông dân. Ngoài ra còn có hàng trăm ngàn lượt nông dân được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây trồng, chăn nuôi gia cầm – thuỷ sản và xử lý, bảo vệ môi trường, trong đó 9.000 hộ dân tham gia thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững, 13.000 ngư dân tham gia quản lý và khai thác thủy sản bền vững. Hàng vạn lượt cán bộ ngành nông nghiệp được tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực.

Theo Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, trong năm 2019 đến năm 2020 sẽ vận động và xây dựng chuẩn bị thành công 03 dự án: Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thủy sản bền vững; Dự án thực phẩm an toàn nông nghiệp; và Dự án Phát triển bền vững ngành Điều, Hồ tiêu và cây ăn quả tại việt Nam và những dự án khác trong giai đoạn 2020 – 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Các chương trình, dự án do Ban Quản lý các dự án nông nghiệp đã quản lý và thực hiện trong 20 năm qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho hàng chục triệu người dân trên cả nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành nông nghiệp, từ đó đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Trong thời gian tới Ban Quản lý các dự án nông nghiệp cần tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để triển khai các dự án hiệu quả, thực tế đem lại lại ích thiết thực cho ngành và người nông dân.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác