CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt (03-07-2019)

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.
CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP là một thị trường lớn với tổng dân số khoảng 500 triệu người, tổng giá trị GDP năm 2018 là 11.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP và 14% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.

Ngày 14/1, CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam - thành viên thứ 7 của Hiệp định. CPTPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng 78 - 95% số dòng thuế và cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, là một Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, CPTPP được dự báo sẽ có tác động toàn diện đến các hoạt động kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng và được dự báo chịu tác động lớn cả tích cực và tiêu cực.

Theo đó, về cơ bản CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt, nhất là các thị trường mà Việt nam chưa có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương là Canada, Mexico, Peru, Úc nhờ những ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động … cũng sẽ là động lực, sức ép để ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư (cả vốn đầu tư trực tiếp và tư nhân trong nước) cho nông nghiệp. 

Cuối cùng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, xuất khẩu nông sản Việt cũng sẽ được gián tiếp hưởng lợi khi Mỹ đã nâng mức thuế đối với 250 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc (có thể còn áp thuế tiếp đối với trên 300 tỷ USD còn lại), trong đó có các mặt hàng thủy sản, nông sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng khác….

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc cần làm ngay để Việt Nam vươn mình trở thành một nền kinh tế nông nghiệp lớn mạnh trên thế giới, nhận diện những thuận lợi và khó khăn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chú trọng thảo luận về việc làm thế nào để các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu được sang các thị trường lớn như EU, các nước trong khối CPTPP; Nông dân Việt Nam cần chuẩn bị gì để bước vào cánh cửa hội nhập? Kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới đối với tiêu thụ nông sản cho nông dân và vận dụng vào Việt Nam? Làm gì để nông sản Việt Nam phát huy tối đa lợi thế và hạn chế tối đa bất lợi?...

Ngoài ra, hội thảo cũng tập trung bàn bạc về phương thức kết nối cung - cầu và tiếp cận chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam, phương thức tiếp cận các thị trường khu vực đối với nông sản Việt, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có quy mô và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, các đại biểu cũng chú trọng thảo luận vấn đề xây dựng, vận hành các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp là những nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam cần quyết liệt triển khai.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác