Thủy sản và lâm nghiệp thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp (01-07-2019)

Ngày 28-6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thủy sản và lâm nghiệp thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt 2,71%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,77 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Về sản xuất, các lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp đều có sự phát triển, tăng trưởng khá. Cụ thể, sản lượng lúa đạt 22,2 triệu tấn, tăng 659 nghìn tấn, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước đạt 7,03 triệu m3, tăng 4,4%; sản lượng thủy sản đạt 3,787 triệu tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018...

Ngành đã từng bước khắc phục những điểm yếu, nâng sức cạnh tranh sản phẩm…. Nhờ đó, cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu đã thể hiện khá rõ về tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ. Chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản ngày càng tăng lên, từng bước đáp ứng các tiêu chí chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Việc mở cửa cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc ngày càng được chú trọng.  

Tuy nhiên, trong xuất khẩu thủy sản lại chưa có sự tăng trưởng như kỳ vọng, chỉ đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân là xu hướng tăng nóng xuất khẩu cá tra đã chậm lại. Cùng đó, thị trường lớn trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Trung Quốc có sự sụt giảm do nước này siết chặt thương mại mậu biên. 

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador trên thị trường tôm, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu, cùng với đồng Nhân dân tệ mất giá cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. 

Theo Tổng cục Thủy sản, ngành thủy sản tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt đối với tôm, cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long, chú trọng tổ chức phát triển các chuỗi giá trị bảo đảm lợi ích của các bên tham gia. Ngành sẽ đẩy mạnh liên kết tất các các công đoạn của chuỗi giá trị để gắn kết sản xuất với tiêu thụ, kịp thời thông tin về thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế rủi ro mất cân bằng trong cung cầu. 

Riêng trong lĩnh vực khai thác hải sản, theo kế hoạch, cuối tháng 10/2019, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (IUU). 

Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 theo kịch bản, ngành nông nghiệp sẽ linh hoạt, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù cho những lĩnh vực khó đạt mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Theo đó, ngành đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành hàng cho nửa cuối năm. Chăn nuôi sẽ tăng sản lượng các đối tượng như gia cầm khoảng 13 - 14%; trứng trên 12%; thịt bò tăng 7%... Thủy sản sẽ tăng sản lượng lên trên 6,5%, trong đó, tăng sản lượng nuôi trồng trên 7,5%, đặc biệt là tôm nước lợ và cá tra. 

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ nay đến cuối năm 2019, nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 là 3% theo kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD, Bộ tiếp tục chỉ đạo sản xuất, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù đắp cho những lĩnh vực khó đạt mục tiêu. Trong đó, tập trung tăng sản lượng gỗ khai thác hơn 8%, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu; sản lượng thủy sản lên hơn 6,5%. Đối với chăn nuôi, tăng sản lượng các loại vật nuôi khác thay cho lợn như: Gia cầm tăng khoảng 13-14%; trứng gia cầm tăng hơn 12%; thịt bò tăng 7%...

Bên cạnh đó, Bộ tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Khối Liên minh Á - Âu…; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/địa phương gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Bộ NN&PTNT tiếp tục chú trọng công tác thị trường, dự báo, cân đối cung - cầu, phát triển thị trường mới, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định trong bối cảnh khó khăn, cần sự cố gắng chung của toàn ngành, trong đó đặc biệt là tập trung đẩy mạnh, nhanh hơn ở những ngành hàng đang có dư địa: “Chúng ta phải đẩy nhanh, mạnh lĩnh vực lâm nghiệp nói chung, trong đó có kinh tế lâm sản vì đang có thời cơ. Bên cạnh đó, lĩnh vực đẩy mạnh còn là thủy sản khai thác và nuôi trồng. Mặc dù giá thủy sản thế giới đang không cao, nhưng vẫn còn dư địa để tập trung phát triển”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: Đây sẽ là 2 khu vực “cứu cánh” cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.

Đề cập tới Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Đây là những hiệp định có lợi thế rất lớn kể cả về mặt thị trường, nhóm ngành hàng, công nghệ, đầu tư nói chung...

Tuy nhiên, đi đôi với lợi thế là đầy rẫy những thách thức. “Cần tiếp tục tổ chức tốt những ngành hàng, trong đó có 2 nhóm có lợi thế là lâm sản và thủy sản bởi 2 nhóm này chiếm tỷ trọng rất lớn đi vào thị trường của 2 FTA. Theo đó, chúng ta phải tổ chức chặt chẽ lại sản xuất để đem lại chất lượng, mẫu mã tốt hơn, giá cả hợp lý hơn cùng với nghệ thuật tổ chức thương mại hiện đại”.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác