Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại (29-05-2019)

Ngày 28/5, tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố (UBND TP) Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2030”.
Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại

Tại hội thảo, đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp (DN) đã nêu tầm quan trọng của việc phát triển các trung tâm cung ứng nông sản, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đề xuất được những giải pháp hiệu quả phát triển hệ thống này. Cùng với tính chất hiện đại, các trung tâm cung ứng được kỳ vọng sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời, đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Riêng tại Hà Nội, với hơn 10 triệu người đang hàng ngày sinh hoạt và học tập, hàng năm lại đón khoảng 20 triệu lượt khách du lịch, vì vậy nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm trung bình hàng năm của TP là rất lớn. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trung bình mỗi tháng, TP tiêu thụ khoảng 83.400 tấn gạo, 20.000 tấn thịt lợn hơi, 5.230 tấn thịt bò, 5.200 tấn thịt gà, 5.050 tấn thuỷ hải sản, 84.100 tấn rau củ quả, khoảng 95 triệu quả trứng (gà, vịt), cùng 52.000 tấn trái cây... Dù vậy, khả năng đáp ứng thực phẩm tại chỗ của Hà Nội hiện chưa đạt so với yêu cầu.

Cụ thể, ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà, rau củ, trứng gia cầm là Hà Nội có thể đáp ứng cơ bản ở mức 60 – 65% nhu cầu, khả năng đáp ứng tiêu dùng cho khoảng 10 triệu dân của Hà Nội đối với một số nông sản khác còn ở mức rất khiêm tốn. Đơn cử như: Gạo 35%, thịt bò 15%, thuỷ hải sản 40%, thực phẩm chế biến 25%, trái cây an toàn 30%... Phần lớn khối lượng nông sản đang thiếu hụt cho nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô hiện vẫn chủ yếu phải nhập từ các tỉnh, TP lân cận. 

Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút cộng đồng DN tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn cho Thủ đô. Đến nay, toàn TP đã xây dựng và phát triển được 123 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các nhóm lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ hải sản. Bên cạnh đó là 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật. Dù vậy, tốc độ phát triển ngành nông nghiệp của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của thị trường tiêu thụ nông sản ngày một tăng nhanh. 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, với thực trạng hệ thống phân phối nông sản thực phẩm như hiện nay và việc quy hoạch mạng lưới chợ đầu mối nông sản, thì việc phát triển các Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại là phù hợp và là yêu cầu cấp bách. Những trung tâm cung ứng nông sản hiện đại sẽ giúp kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về các sản phẩm có chất lượng cao, nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và khả năng cung ứng nông sản với số lớn phục vụ hoạt động xuất khẩu.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam bày tỏ mong muốn các tổ chức, DN chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam cũng như TP Hà Nội những giải pháp trọng tâm, hiệu quả để phát triển hệ thống các trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại, để hệ thống này hoạt động hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, điều này còn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, tiến tới đưa những sản phẩm nông sản thực phẩm mũi nhọn của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng với chất lượng tốt bảo đảm tiêu chuẩn nghiêm ngặt tiếp cận thị trường nông sản thế giới.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác