Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế (06-05-2019)

Ngày 2/5, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức đã diễn ra với các phiên hội thảo, tọa đàm chuyên đề. Trong khuôn khổ Diễn đàn, phiên Hội thảo chuyên đề hiến kế về nông nghiệp với chủ đề “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế” diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh. 
Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế

Hội thảo có sự tham dự của gần 300 đại biểu, đại diện cho các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc doanh cho biết, Việt Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong 30 năm đổi mới và nhất là từ khi triển khai thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều chương trình, đề án và cơ chế chính sách đã được ban hành, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa, hướng tới phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất và chất lượng, phát triển sản phẩm có lợi thế; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức cao kỷ lục hơn 40 tỷ USD, tăng 23,55 tỷ USD so với năm 2008; đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, tăng bình quân 9,24%/năm. Trong đó, 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên, với 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và do nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; thời gian qua, sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã phát triển với nhiều nội dung, hình thức đa dạng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết, việc cơ cấu nông nghiệp sẽ gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; cấp tỉnh và cấp địa phương), khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng...Phải xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường, có uy tín; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết các vướng mắc về rào cản thương mại để nông sản Việt Nam ngày càng tham gia sâu và nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân hướng đến phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm thủy sản hội nhập quốc tế cần đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt. Phát triển công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao; nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo tăng trưởng đột phá.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác