Hội nghị “Tổng kết khai thác cá vụ Bắc năm 2018-2019, triển khai khai thác cá vụ Nam năm 2019” (03-04-2019)

Trong chuỗi các sự kiện Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản, chiều 31/3/2019, tại thành phố Hạ Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Tổng kết khai thác cá vụ Bắc năm 2018-2019, triển khai khai thác cá vụ Nam năm 2019”.
Hội nghị “Tổng kết khai thác cá vụ Bắc năm 2018-2019, triển khai khai thác cá vụ Nam năm 2019”

Tham dự Hội nghị có Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng và đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản; Lãnh đạo Viện nghiên cứu Hải sản, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Kết quả khai thác cá vụ Bắc 2018-2019

Khai thác thủy sản là một trong những hoạt động nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ và lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phươn và sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp, ngư dân. Nhờ đó, đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ: Tổng sản lượng khai thác cá vụ Bắc năm 2018-2019 đạt 1.589 nghìn tấn (tăng 6,2% so với cùng kỳ vụ cá Bắc năm 2017-2018); Trong đó, khai thác biển đạt 1.503 nghìn tấn (tăng 6,4% so với cùng kỳ), khai thác nội địa 86 nghìn tấn (tăng 2,6% so với cùng kỳ). Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ khai thác đạt xấp xỉ 3 tỷ USD (tăng 8,2% so với năm 2017); Trong đó, mực và bạch tuộc chiếm 23%, cá ngừ 22%, cua và ghẹ 4%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ 3%.

Tình hình thời tiết trên biển vụ cá Bắc (từ tháng 10/2018 đến hết tháng 3/2019) diễn biến tương đối thuận lợi cho hoạt động sản xuất trên biển. Nguồn lợi thủy sản (nhất là các đối tượng cá nổi nhỏ) xuất hiện nhiều tại ngư trường các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ, gồm: cá cơm, cá nục, cá chỉ vàng, ruốc, thu bè. Thị trường tiêu thụ hải sản tương đối ổn định; Giá một số sản phẩm khai thác có giá trị kinh tế tương đối cao; Giá nhiên liệu tương đối ổn định (trong cả vụ cá Bắc) đã giúp thu nhập của ngư dân tăng. Ngư dân yên tâm bám biển, hiệu quả sản xuất nâng cao.

Năm 2019, các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật được ban hành và có hiệu lực đã tạo khung pháp lý, là cơ sở triển khai quản lý nghề cá bền vững, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng ngư dân. Tình trạng tàu cá khai thác trái phép ở các vùng biển nước ngoài giảm đáng kể sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, vụ cá Bắc 2018-2019 vẫn còn một số vấn đề tồn tại, như: Cường lực khai thác vượt quá khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; Số tàu cá loại nhỏ khai thác ven bờ còn nhiều; Các nghề xâm hại nguồn lợi thủy sản vẫn còn tồn tại (nhất là nghề lưới kéo); Việc chuyển đổi cơ cấu nghề trong khai thác hải sản còn chậm; Việc xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác tại cảng cá còn gặp khó khăn do chưa hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về giám sát tàu cá; Hệ thống, tổ chức hoạt động kiểm tra, kiểm soát nghề cá còn chưa đồng bộ; Kinh phí cho việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; Lao động khai thác thủy sản còn thiếu và trình độ tay nghề hạn chế.

Kế hoạch khai thác cá vụ Nam 2019

Căn cứ kế hoạch khai thác thủy sản 2019 (với chỉ tiêu tổng sản lượng khai thác tăng 2,6% so với năm 2018); Căn cứ tình hình dự báo thời tiết và an ninh trên biển; Căn cứ số tàu và cơ cấu nghề khai thác, Tổng cục Thủy sản đã đặt mục tiêu khai thác vụ Nam 2019 như sau: Tổng sản lượng khai thác cá vụ Nam 2019 đạt 2.106 nghìn tấn; Trong đó, khai thác biển đạt 1.979 nghìn tấn, khai thác nội địa đạt 127 nghìn tấn. Toàn ngành phấn đấu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ khai thác đạt 3,38 tỷ USD (tăng 13,2% so với năm 2018).

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản đã lên kế hoạch cho các nhiệm vụ trọng tâm: Đối với Luật Thủy sản 2017, do có nhiều điểm mới, nhiều quy định quản lý mới và hội nhập quốc tế nên công tác triển khai tại địa phương là nhiệm vụ quan trọng trong vụ cá Nam 2019; Toàn ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EU; Triển khai các chính sách phát triển thủy sản; Tập trung nghiên cứu, tham mưu Chính sách phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao độ chính xác của bản tin dự báo ngư trường; Quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu trên biển; Tiếp tục triển khai Đề án khai thác viễn dương; Ứng dụng công nghệ khai thác, bảo quản và chế biến sản phẩm; Tiến tới xây dựng Thương hiệu thủy sản khai thác.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo ngành Thủy sản thực hiện một số giải pháp để đạt mục tiêu nhanh và bền vững, gắn với hội nhập. Đó là: Thực thi pháp luật nghiêm túc; Quyết liệt triển khai Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thực thi Luật; Tập huấn bằng nhiều hình thức nhằm khơi dậy sức mạnh quần chúng. Ngành Thủy sản cần tham mưu Cơ chế chính sách nắm sát thực tế; Có cơ chế thu hút Nguồn nhân lực và Nguồn nhân lực chất lượng cao; Nâng cao trình độ khoa học công nghệ; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Khoa học phải xuất phát từ Thực tiễn và quay lại phục vụ Thực tiễn. Các cơ chế chính sách đề xuất gắn với chuỗi. Phải liên kết các hoạt động thành một hệ thống đồng bộ.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh yêu cầu về vấn đề Nguồn nhân lực cho ngành Thủy sản. Theo Thứ trưởng, ngành Thủy sản bằng ý chí Cách mạng và quyết tâm chính trị, đã vượt qua tất cả khó khăn, hạn chế để có Chặng đường 60 năm lịch sử vẻ vang.

 Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác