Thủy sản Việt Nam 60 năm trưởng thành, phát triển và hội nhập (22-03-2019)

Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng phát triển của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thể theo nguyện vọng của ngành Thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, ngày 1 tháng 4 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức là Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (Quyết định số 173-TTg ngày 18-3-1995).
Thủy sản Việt Nam 60 năm trưởng thành, phát triển và hội nhập

Trong 60 năm qua, Ngành Thủy sản đã có những bước phát triển và hội nhập, trải qua 4 giai đoạn chính với những thành tựu nổi bật như sau:

TRƯỚC NĂM 1975:

Đây là giai đoạn đất nước có chiến tranh, cán bộ và ngư dân ngành thuỷ sản “vững tay lưới, chắc tay súng”, thi đua lao động sản xuất với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng CNXH Chủ Nghĩa Xã Hội ở miền Bắc và đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam”. Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển có công sức lớn của ngư dân.

Năm 1960, Tổng cục Thủy sản được thành lập, đánh dấu thời điểm ra đời của ngành Thủy sản Việt Nam. Kinh tế thuỷ sản đã bước đầu phát triển để hình thành một ngành kinh tế kỹ thuật với các tổ chức nghề cá công nghiệp như các đoàn tàu đánh cá Hạ Long, Việt - Đức, Việt - Trung, nhà máy cá hộp Hạ Long.

Đến năm 1975, sản lượng khai thác cá biển đạt gần 100.000 tấn, thu mua và chế biến hải sản hơn 51.000 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 1.800 tấn, các hợp tác xã thủy sản được hình thành và phát triển với 356 HTX nghề cá.

TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY:

Giai đoạn 1976-1986:

Năm 1976 Bộ Hải sản được thành lập và đến năm 1981 được tổ chức lại thành Bộ Thủy sản. Ngành Thủy sản bước vào giai đoạn phát triển toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ, chế biến và xuất khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, bước đầu tham gia hội nhập với nghề cá thế giới.

Việc ngành Thủy sản được Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế “tự cân đối, tự trang trải” đã đưa xuất khẩu thủy sản trở thành mũi nhọn, tạo nguồn lực cân đối chính cho ngành. Phong trào “ao cá bác Hồ” được phát động và xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như: Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản (Seaprodex Việt Nam); các hợp tác xã đánh cá tại Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Hải, Vũng Tàu, Kiên Giang, ..... đã tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của Ngành. Việc phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng và xây dựng kinh tế xã hội vùng biển đã khẳng định rõ vai trò, vị trí của ngành Thủy sản.

Cơ cấu nghề nghiệp khai thác được điều chỉnh mở rộng phục vụ xuất khẩu. Nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm xuất khẩu bắt đầu được chú trọng phát triển. Năng lực chế biến thủy sản được mở rộng với nhiều mặt hàng mới phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Năm 1986, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 840 nghìn tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt gần 600 nghìn tấn, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 240 nghìn tấn; xuất khẩu đạt 100 triệu USD; thu mua hải sản đạt hơn 370 nghìn tấn. Cả nước có 563 HTX và 2.321 tập đoàn sản xuất thủy sản.

Giai đoạn 1986 - 1995:

Từ năm 1991 toàn Ngành tập trung thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thủy sản với 3 mục tiêu chính được Chính phủ giao là: đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho người dân ven biển.

Năm 1993, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá VII xác định xây dựng thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc áp dụng thành công cơ chế mới gắn sản xuất với thị trường đã tạo ra bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của Ngành.

Việc đưa tàu cá đi khai thác ở vùng khơi và tăng cường xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá tạo điều kiện cho khai thác hải sản phát triển mạnh. Nuôi trồng thủy sản trong dân tiếp tục phát triển; phương thức nuôi, đối tượng nuôi đa dạng hơn cho hiệu quả kinh tế cao. Nuôi tôm sú ở Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh. Chế biến thủy sản đã hướng tới đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng mặt hàng xuất khẩu. Ngành Thủy sản tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận và từng bước đáp ứng đòi hỏi của các thị trường lớn, nhờ đó sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã tạo được uy tín và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản trên thế giới.

Năm 1995, tổng sản lượng thủy sản đạt 1,34 triệu tấn, trong đó: khai thác 928,8 nghìn tấn, nuôi trồng 415,3 nghìn tấn; xuất khẩu đạt 550 triệu USD. Giai đoạn 1980 - 1990, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trung bình 48,29%/năm; đến giai đoạn 1991 – 1995, tăng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức 15,97%/năm.

Đến năm 1990, ngành Thủy sản đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; năm 1992, Công đoàn Thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam đã được thành lập.

Giai đoạn 1995 - Nay:

Giai đoạn này khai thác hải sản xa bờ được quan tâm phát triển (Quyết định 393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư (trọng tâm là 10 cảnh cá, khu neo đậu tránh trú bão).

Ngành Thủy sản ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng; thị trường xuất khẩu thủy sản quốc tế được mở rộng với sự ra đời, hoạt động hiệu quả của Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Luật Thủy sản năm 2003, Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc Hội ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác là cơ sở pháp lý để ngành Thủy sản tiếp tục phát triển mạnh, duy trì nhịp độ tăng trưởng cao; đánh dấu việc đổi mới tư duy quản lý ngành từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và đáp ứng yêu cầu hội hập quốc tế.

Ngành Thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam; Quy hoạch Tổng thể phát triển thủy sản; Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020; Quy hoạch phát triển chế biến thủy sản toàn quốc.

Năm 2007, Bộ Thủy sản hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tháng 01/2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tháng 3/2013 lực lượng Kiểm ngư được thành lập.

Sau 60 năm phát triển, Ngành Thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc. Sản lượng thủy sản năm 2018 đạt hơn 7,74 triệu tấn, gấp 5,6 lần so với năm 1995. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường; kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và đạt gần 9 tỷ USD (năm 2018), đưa Việt Nam vào vị trí các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Mức tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu giai đoạn này đạt 13,3%.

Giai đoạn này Ngành Thủy sản vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (2007). Tổng cục Thủy sản được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (2019).

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững”.  Để đạt được mục tiêu đó, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động và ngư dân ngành Thủy sản tiếp tục đoàn kết, nhất trí, nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng ngành Thủy sản, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.

Nguyễn Ngọc Oai - Q. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Ý kiến bạn đọc

Tin khác