Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019” (08-03-2019)

Ngày 5/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công thương, Nhóm Ngân hàng thế giới (World Bank Group) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì Diễn đàn.  
Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019”

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện Ủy ban nhân dân (UBND), Sở NN&PTNT, Sở Công thương các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia phát triển sản xuất (SX) gắn với tiêu thụ nông sản; đại diện các hiệp hội ngành hàng; các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Hà Nội và các cơ quan thông tấn báo chí.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2018 ngành nông nghiệp đã vượt qua các khó khăn, thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra như: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, giá trị SX toàn ngành tăng 3,86% (trong đó nông nghiệp tăng 2,91%, lâm nghiệp tăng 6,09%, thủy sản tăng 6,5%), kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD.

Hiện nay, cả nước có trên 7.000 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó ngành trồng trọt có khoảng 830 cơ sở, nhà máy; ngành chăn nuôi có 910 cơ sở giết mổ tập trung; ngành thủy sản hiện có 760 doanh nghiệp; ngành lâm nghiệp có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ.

Trong năm 2019, ngành nông nghiệp dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong SX và tiêu thụ nông sản.

Trong bối cảnh đó, 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Đồng thời, đây cũng là năm mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao các chỉ tiêu về phát triển ngành nông nghiệp đều cao hơn năm 2018 như: tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị SX trên 3,11%; kim ngạch XK đạt 43 tỷ USD.

Để tạo điều kiện đạt được những chỉ tiêu quan trọng này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) đã đề xuất trong năm 2019, cần tập trung cho một số nhóm giải pháp nhằm khơi thông thị trường XK nông sản. Cụ thể như tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao; duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc, mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh Châu Âu hay Trung Đông; lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, Châu Phi, ASEAN...

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác