Kinh nghiệm quản lý và nhận diện Cá mập (08-03-2019)

Cuối tháng 2/2019, tại Hội thảo tập huấn nhận diện Cá mập được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia quốc tế đã hướng dẫn các nhà quản lý của Việt Nam một số đặc điểm giúp nhận diện Cá mập (thuộc Phụ lục của Công ước Cites) để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát.
Kinh nghiệm quản lý và nhận diện Cá mập

Mục tiêu chính của buổi tập huấn là: Dựa vào trực quan, thông qua quan sát bằng mắt thường, nhanh chóng nhận biết loài và nhóm loài. Cụ thể, chuyên gia quốc tế đã hướng dẫn các nhà quản lý của Việt Nam quan sát mẫu vây khô (gồm: vây lưng thứ nhất và hai vây ngực) để nhận diện các loài Cá mập được liệt kê trong danh sách của Công ước Cites. Theo các chuyên gia quốc tế, vây lưng thứ nhất, vây ngực, thùy dưới của vây đuôi là các loại vây chính được giao dịch trên trường quốc tế. Sở dĩ Cá mập được các nước trên thế giới tích cực chung tay bảo vệ, vì chúng là loài cá di cư, có tốc độ tăng trưởng chậm, lâu thành thục, trưởng thành muộn, khả năng sinh sản thấp, tốc độ phục hồi chậm. Trong khi đó, số lượng Cá mập trên thế giới đang dần cạn kiệt (có tới 54% các loài Cá mập đang bị đe dọa hoặc gần bị đe dọa tuyệt chủng). Nguyên nhân: Môi trường sống bị hủy hoại do ô nhiễm; Cá chết do mắc vào ngư lưới cụ vô chủ; Biến đổi khí hậu; Khai thác quá mức (hàng chục triệu con cá bị bắt/năm để lấy thịt, vây, da, sụn và dầu gan cá, khiến số lượng các loài Cá mập giảm trên toàn thế giới). Chính vì vậy, Công ước Cites đã lên danh sách những loài cá nguy cấp. Đây là Công ước tự nguyện, thỏa thuận về buôn bán quốc tế các loài động/thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng nhằm đảm bảo rằng “Thương mại quốc tế không đe dọa sự sống còn của các loài động/thực vật hoang dã”. Theo đó, Cites đưa ra yêu cầu bắt buộc trình Giấy phép/Giấy chứng nhận đối với các hoạt động xuất/nhập khẩu các loài được liệt kê trong Phụ lục của Cites. Công ước Cites hiện đã nhận được chữ ký của 183 quốc gia.

Căn cứ trực quan giúp các nhà quản lý nhận diện Cá mập

Thông thường, trong các giao dịch thương mại (nhất là các vụ mua bán, trao đổi vây cá với khối lượng lớn), các biện pháp kỹ thuật - xét nghiệm di truyền DNA - chỉ được tiến hành trong trường hợp không thể xác định trực quan, vì xét nghiệm DNA có nhiều trở ngại như thời gian tiến hành kéo dài, chi phí tốn kém. Trong khi đó, các nhà quản lý như Nhân viên kiểm soát biên giới chỉ cần thông qua một số đặc điểm nổi bật đã có thể xác định được các loại vây của những loài Cá mập có tên trong Danh sách Cites. Từ đó, quyết định giữ lô hàng chứa vây Cá mập có tên trong danh sách của Cites nhưng không có Giấy phép/Giấy chứng nhận phù hợp.

Các loại vây hiện được mua bán, tiêu thụ nhiều trên thị trường thế giới, gồm: vây lưng, vây ngực và thùy dưới vây đuôi. Để phân biệt các loại vây này, cần quan sát hình dáng của vây (thẳng, tròn, dài, ngắn, rộng, hẹp, mảnh), màu sắc của hai mặt vây (trắng, vàng, nâu, đen, xám, nâu xám), sự đồng nhất về màu của hai mặt vây (sẫm hay sáng, đậm hay nhạt, đồng nhất hay không đồng nhất), hình dáng của chỏm vây (tròn, nhọn, cong) và màu sắc của chỏm vây, màu sắc của vây tự do, kích thước của gốc vây, tỷ lệ giữa gốc vây tự do và gốc vây cơ sở, hàng sụn phân bổ ở mặt cắt của gốc vây, hình dáng và kích cỡ của hàng sụn… Thông qua quan sát, nhóm chuyên gia đã đúc kết được một số kinh nghiệm quý báu trong giám sát trực quan như: Quan sát vây lưng có thể giúp phân biệt được Cá mập chỏm vây trắng, Cá nhám ngừ, Cá mập đầu búa, Cá mập mượt (là những loài thuộc Phụ lục của Công ước Cites); ví dụ: Cá mập đầu búa có vây lưng cao và hẹp, trong khi hầu hết các loài cá mập khác đều có vây lưng rộng. Khi quan sát, nếu thấy vết đen/mảng đen trên vây lưng thì khẳng định: Đó không phải loài cá mập được liệt kê trong danh sách Cites.  

Cổng thông tin điện tử về các loài Cá mập có tên trong Công ước Cites là https://www.cites.org/prog/shark. Đối với các tổ chức/cá nhân khi cần kinh phí hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, bảo vệ Cá mập, có thể vào địa chỉ trên để đề nghị cấp tài chính hỗ trợ thực hiện. Về cách thức nhận diện vây Cá mập, cũng đã được trình bày rõ ràng và chi tiết, đăng trên địa chỉ website https://www.identifyingsharkfins.org/resources.

Trong tháng 5 sắp tới, các ngày từ 2 đến 19/5/2019 dự kiến diễn ra “Cuộc họp CITES CoP 18” nhằm bàn về 18 loài Cá mập, gồm 02 loài Cá mập Mako (họ Lamnidae), 10 loài Cá mập Wedgefish (họ Rhinidae), và 06 loài Cá mập khổng lồ Guitarfish (họ Glaucostegidae).

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác