Hội nghị bàn các giải pháp quản lý giống tôm nước lợ (23-01-2019)

Vừa qua, tại Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp”. Hội nghị đã bàn các giải pháp trong quản lý nâng cao chất lượng tôm giống.
Hội nghị bàn các giải pháp quản lý giống tôm nước lợ

Tham dự Hội nghị, có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh, thành phố ven biển trọng điểm sản xuất và tiêu thụ tôm giống, Cục Thú Y, Các viện nghiên cứu, các chuyên gia, Hiệp hội sản xuất tôm giống cùng phóng viên báo đài đến đưa tin về Hội nghị. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2018, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước khoảng 720 nghìn ha tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là 615 nghìn ha; diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là 105 nghìn ha. Sản lượng thu hoạch khoảng 745 nghìn tấn (tăng 9% so với năm 2017), kim ngạch xuất khẩu đạt gần đạt 3,59 tỉ USD. Với diện tích nuôi tôm nước lợ như hiện nay thì nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỉ con (trong đó khoảng 100 tỉ giống tôm thẻ chân trắng và 30 tỉ giống tôm sú), số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con (trong đó, 200.000 tôm thẻ chân trắng và 50.000 tôm sú).

Năm 2018, cả nước có 2.457cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm súvà 602cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng; sản lượng tôm giống sản xuất là 120 tỷ con (tăng 10,4% so với năm 2017), trong đó tôm sú là 37,5 tỷ con; tôm thẻ chân trắng là 82,5 tỷ con.Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ gồm Ninh Thuận và Bình Thuận, hàng năm các cơ sở tại khu vực này cung cấp khoảng 56% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước, số còn lại được sản xuất các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trong những năm qua ngành sản xuất tôm giống đã phát triển mạnh, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long. Sản xuất tôm giống đóng vai trò then chốt quyết định đến thanh công hay thất bại trong chuỗi sản xuất ngành tôm. Tuy nhiên, hiện ngành tôm giống vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần phải khắc phục như công tác nghiên cứu, chọn tạo còn chậm và chưa gắn liền với thực tiễn sản xuất, tôm sú chưa chọn tạo được giống tốt, chưa có dòng kháng bệnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh với nhiều hình thức mua bán đa dạng, khó kiểm soát, nhiều vi phạm diễn tiến phức tạp như giả nhãn mác, không công bố chất lượng, sử dụng tôm giống bố mẹ kém chất lượng, không qua kiểm dịch… Đặc biệt là công tác quản lý một đầu mối nhưng không quản lý theo chuỗi, chưa phối hợp tốt nên hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Để kiểm soát chất lượng tôm giống, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các cơ quan chức năng, thanh tra chuyên ngành đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất tiêu thụ tôm giống. Đặc biệt, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Cục An ninh Kinh tế - Bộ Công an tiến hành 9 cuộc thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống có dấu hiệu vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 540 triệu đồng, tiêu hủy 4.400 con tôm bố mẹ, buộc tái kiểm định hơn 50 tỷ con tôm giống. Tổng cục Thuỷ sản tổ chức thí điểm ký Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ giữa 11 địa phương gồm Khánh Khoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản đã ủy quyền cho các địa phương thực hiện kiểm tra chất lượng tôm giống bố mẹ nhập khẩu. Các địa phương đã vào cuộc quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong sản xuất tôm giống.

 Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, cho biết: Công tác quản lý tôm giống hiện nay còn nhiều bất cập, ví dụ như tôm bố mẹ được các cơ sở bắt từ các ao đìa nuôi trà trộn vào đàn tôm bố mẹ nhập khẩu về để sản xuất giống hàng loạt hoặc tôm bố mẹ được kéo dài thời gian sản xuất. Một thực trạng hiện nay là các cơ sở lớn sau khi sản xuất giống xong thì bán tôm bố mẹ lại cho các cơ sở nhỏ để tiếp tục sản xuất giống. Vì giống không đạt chất lượng nên có khi một cơ sở nhưng lại có nhiều loại bao bì, mẫu mã khác nhau, ai mua giá nào cũng bán.

Một số hạn chế hiện nay trong sản xuất giống thủy sản ở nước ta là kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn rất hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc. Vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung Bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Ngoài các địa phương đã tham gia ký quy chế phối hợp, thì công tác chia sẻ thông tin giữa các địa phương khác chưa được tốt. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý chung về nuôi trồng thủy sản nhưng không nắm được số lượng giống kiểm dịch là bao nhiêu, nguồn gốc từ đâu, gây khó khăn lớn cho quá trình quản lý…

 Theo kế hoạch năm 2019, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu diện tích thả nuôi tôm nước lợ nước ta khoảng 725 nghìn ha( trong đó: tôm sú 620 nghìn ha,tôm thẻ chân trắng 105 nghìn ha),sản lượng 760 nghìn tấn (tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 480 nghìn tấn), nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con. Để thực hiện thành công kế hoạch này, các ngành và địa phương cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn; thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; tổ chức đợt cao điểm kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất và chất lượng tôm giống.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: để tăng cường công tác quản lý tôm giống, khắc phục những tồn tại thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát, kiểm dịch tôm giống. Theo Thứ trưởng, hành lanh pháp lý đã tương đối hoàn thiện các địa phương cần nghiêm túc thực hiện các quy định và tăng cường phối hợp kiểm soát chất lượng giống tôm nước lợ. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường công tác kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất tôm giống tại các điểm nóng trên cả nước. Tổng cục Thủy sản cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để quản lý chất lượng tôm giống, thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan giữa các địa phương sản xuất tôm giống và địa phương nuôi tôm thương phẩm. Các địa phương tiếp tục thông tin cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những phát sinh trong quá trình quản lý, đặt biệt trong việc thực hiện các quy định mới để kịp thời phối hợp quản lý. Đối với các cơ sở sản xuất, tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các vùng tiêu thụ tôm giống để kiểm soát chất lượng tôm giống.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác