Hải Phòng: Xây dựng thành công tuyến phố ẩm thực an toàn kiểu mẫu (24-12-2018)

Triển khai Đề án mô hình điểm quản lý thức ăn đường phố 2017-2019, sau hơn 1 năm, Hải Phòng đã xây dựng 2 tuyến phố ẩm thực an toàn thực phẩm kiểu mẫu.
Hải Phòng: Xây dựng thành công tuyến phố ẩm thực an toàn kiểu mẫu
Ảnh minh họa

Với mục tiêu nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và văn minh đô thị. UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt Đề án mô hình điểm quản lý thức ăn đường phố "Cải thiện điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố giai đoạn 2017 - 2019". Đề án được triển khai tại 10 phường thuộc 4 quận nội thành của thành phố Hải Phòng (Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng, Kiến An). Tổng nguồn vốn là nguồn kinh phí cho đề án là 2.942.524.000 đồng. Mục tiêu đến năm 2020, sau khi hoàn thành đề án sẽ tổng kết đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm và nhân rộng đạt 30 xã, phường, thị trấn điểm trên địa bàn thành phố.Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng, đến thời điểm hiện tại, Đề án mô hình điểm quản lý thức ăn đường phố các tuyến cơ bản đã thực hiện đầy đủ các nội dung đề ra trong lộ trình thực hiện.

Trong 2 năm 2017- 2018, Thành phố đã triển khai 2 tuyến phố ẩm thực bảo đảm an toàn thực phẩm tại đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) và đường Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân). Tại 2 tuyến phố này hiện có 400 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống có địa điểm cố định, đều được gắn biển mô hình an toàn thực phẩm kiểu mẫu.

Qua quá trình triển khai, các hộ kinh doanh đồng thời ký cam kết bảo đảm nguồn nguyên liệu cung cấp để sản xuất, chế biến thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, có khu chế biến ăn uống hợp vệ sinh…

Ngoài ra, Thành phố Hải Phòng đã giao thêm nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm an toàn thực phẩm cho 223 công chức làm công tác văn hóa cấp xã, phường. Bên cạnh đó, 10 phường điểm của 4 quận thành lập tổ giám sát an toàn thực phẩm, hàng tuần, tổ giám sát tuyên truyền về an toàn thực phẩm, tư vấn cho người kinh doanh, người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.

Hàng tháng, tổ giám sát ghi chép, báo có những ưu điểm, hạn chế của cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố với Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm phường, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở 1 quý/ lần.

Ban chỉ đạo thành phố thực hiện đề án đã cấp 4 bộ xét nghiệm nhanh cho 4 quận mô hình điểm; in và cấp phát tài liệu truyền thông cho các quận;

Tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ năng điều tra đánh giá hiện trạng các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cho cán bộ điều tra, 4 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, kỹ năng truyền thông an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý an toàn thực phẩm với tổng số 430 người.

Hoàn thành điều tra thống kê 440 cơ sở chế biến kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố của 10 phường điểm và bước đầu triển khai các giái pháp tác động nâng cao ý thức an toàn thực phẩm cho người kinh doanh, chế biến…

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng, bước đầu, việc triển khai đề án xuất hiện một số khó khăn.

Chẳng hạn như nguồn kinh phí ít, bố trí chậm, muộn (thường đến tháng 8 hằng năm mới được phân bổ) khiến triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Thiếu các công cụ hỗ trợ như test nhanh, hóa chất, việc lưu mẫu tại cơ sở chưa đồng nhất, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương. Và việc thay đổi tập quán chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố không dễ khi hiện trạng có nhiều bất cập.

Những bất cập trong quá trình triển khai

Qua điều tra 430 hộ chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố tại 10 phường điểm cho thấy mới có 48% loại hình kinh doanh là cửa hàng cố định tại các khu phố, 23% thực phẩm có nguồn gốc; 55% điểm kinh doanh có nơi rửa tay; hơn 51% người chế biến thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Qua giám sát mẫu, còn 13% số mẫu không đạt yêu cầu; mới có 20% cơ sở có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm….

Hiện trạng này, đòi hỏi công tác vận động, tuyên truyền, quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm cần được hết sức quan tâm, linh hoạt thực tế. Tuy nhiên, lực lượng làm công tác quản lý an toàn thực phẩm cấp xã, phường mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, lúng túng quản lý do chưa có chuyên môn nghiệp vụ về quản lý an toàn thực phẩm. Do thiếu các công cụ hỗ trợ test nhanh nên việc lấy mẫu xét nghiệm về an toàn thực phẩm chưa kịp thời.  

Trong lộ trình từ nay đến 2020, ngoài duy trì 2 tuyến phố an toàn thực phẩm kiểu mẫu tại đường Lê Hồng Phong và đường Nguyễn Đức Cảnh; đưa loại hình kinh doanh dịch vụ hàng rong, lưu động vào quản lý an toàn thực phẩm;

Phấn đấu 100% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cố định có chứng nhận đăng ký kinh doanh vào quản lý; 90% số cơ sở này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 70% số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đạt điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo Thông tư 30 của Bộ Y tế.

Để thực hiện được các mục tiêu này, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo thực hiện đề án sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố;

Tổ chức tập huấn xác nhận kiến thức; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố theo quy định;

Tăng cường kiểm tra giám sát của các tổ giám sát dựa vào cộng đồng; yêu cầu các quận, huyện quan tâm phối hợp tốt với các đơn vị triển khai thực hiện Đề án;

Phân công trách nhiệm rõ ràng, giao Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe thiết kế mẫu đánh giá thực trạng công tác an toàn thực phẩm thức ăn đường phố;

Xây dựng phần mềm quản lý các nhà hàng, xây dựng biểu mẫu báo cáo thống nhất cho các đơn vị khi báo cáo định kỳ.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác